Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Đình Thượng Cung

Thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín thời cổ có tên nôm là Kẻ Hống. Thời Lê, làng có tên là Hống Khánh, sau đổi là Thượng Cung. Ngôi đình mang tên của làng gọi là Đình Thượng Cung.

Theo thần phả (bản gốc của Hàn lâm đông các Đại học sĩ Nguyễn Binh soạn năm Hồng Phúc nguyên niên 1572, bản chép lại năm Khải Định tam niên 1918) hiện lưu tại đình thì đình Thượng cũng thờ ba vị tướng thời nhà Lý.

Vào thời Lý ở đây có một người họ Lê, tên là Đoan cùng vợ là Phạm Thị Thành sống cuộc đời hiền lành, giản dị. Ông làm nghề dạy học nhưng rất tinh thông địa lý. Bà mò cua bắt cá, chăm chỉ ruộng vườn. Ông bà là người có công tìm ra đất lập chợ Hống ở ngay trước cửa nhà mình.

Ông bà được dân làng quý trọng tài đức, chỉ thèm một nỗi muộn con. Mãi về sau sinh được ba người con trai, ông bà đặt tên con là Hoằng, Gia và Võ.

Lớn lên, cả ba vị đều là những người văn võ song toàn. Các ông đã giúp vua Lý Thái Tôn đánh dẹp bọn Chăm Pa quấy phá biên giới phía Nam nước ta. Do có tài chỉ huy cả thủy và bộ, các cánh quân của ba vị nhiều lần lập được chiến công. Sau khi mất dân làng Thượng Cung đã lập ba ngôi miếu nhỏ để thờ các ông. Vào thời Lê, dân làng xây dựng ngôi đình với quy mô khá to lớn theo kiểu chữ công.

Hiện tại, trên câu đầu gian bên trái của tòa Đại bái đình Thượng cung còn khắc dòng chữ Hán “Dương Hòa tam niên tân tạo chí” tức là vào năm 1637 mới làm ngôi đình. Đến năm Cảnh Hưng thứ 20 (năm 1759) đình được tu bổ tòa Đại bái. Trước đó, năm Cảnh Hưng thứ 17 (năm 1756) dân làng sửa chữa tòa Hậu cung, dòng chữ Hán còn khắc trên nóc. Năm Tự Đức thứ 17 (1864), đình lại được tu bổ, qua những lần tu bổ nói trên, đình Thượng Cung về cơ bản vẫn giữ nguyên được kiểu dáng kiến trúc ban đầu. Trong đình hiện còn đủ các bức cốn ở tòa Đại bái. Các bức cốn là những con xà (xà nách) từ cột cái đua ra cột quân, chồng khít lên nhau. Trên các khúc xà ấy, cổ nhân đã chạm nổi các mô típ “Rồng mẫu tử” “Tiên cưỡi rồng”… rất sinh động. Ngoài các đề tài truyền thống, các yếu tố dân gian cũng được cổ nhân khai thác trong mảng chạm nổi. Đặc biệt ở đình này có những mảng chạm đua thuyền, người gồng gánh, cảnh vác cuốc làm ruộng, voi ra trận, võ sĩ cầm kiếm, đấu võ…

Tòa Đại bái và tòa Hậu cung được nối với nhau bởi ống muống ba gian chạy dọc. Ở phần ống muống này cũng được làm bằng gỗ tứ thiết. Nơi đây ngoài công năng là nơi Tiền tế, bài trí hương án còn là nơi bày cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vào thời Lê. Hậu cung một hạng mục kiến trúc cổ đầu thế kỷ XVII, nơi đây bài trí nhiều di vật quý.

Đình Thượng Cung là một công trình kiến trúc điêu khắc thời Lê, thế kỷ XVII, một di sản quý chưa được nhiều người biết đến.

Xã Tiền Phong