Di tích lịch sử

Tiến sĩ Dương Trực Nguyên: Vị đại thần trung quân, ái quốc, thương dân
Ngày đăng 22/04/2022 | 09:25  | View count: 965

Tiến sĩ Dương Trực Nguyên (1457 – 1509), là người làng Thượng Phúc, xã Thượng Phúc, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, nay là làng Hòe Thị, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.

 

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” – NXB KHXH, H, 1971, ông Dương Trực Nguyên đỗ nhị giáp Tiến sĩ khoa canh Tuất đời Hồng Đức thứ 21 (1492) lúc 22 tuổi.

Tiến sĩ Dương Trực Nguyên làm quan Đại thần 19 năm, trải qua 4 triều Vua Lê: Thánh Tông, Hiến Tông, Túc Tông và Uy Mục với nhiều chức vụ khác nhau. Tiến sĩ Dương Trực Nguyên luôn là vị đại thần thanh bạch, liêm chính được các triều Vua tín nhiệm và tin tưởng. Đó là con người chính trực, đặc biệt luôn hướng về dân, thương dân, vì lợi ích của nhân dân cần lao nơi thôn dã. Theo tập sách Hội Tao đàn (NXB KHXH, 1994) đã tóm lược những chức quan mà Dương Trực Nguyên đã nắm giữ:

* Dưới thời Hồng Đức:

– Hàn lâm viện Hiệu úy năm Hồng Đức thứ 22 (1491).

– Hiến sát sứ, Ty Hiến sát sứ Thừa Tuyên Hải Dương, năm Hồng Đức thứ 23 (1492) (trang 717 Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Văn học H.2009).

– Hàn lâm viện Hiệu úy năm Hồng Đức thứ 24 (1493) Tr.717-Sđd.

– Hội viên Hội Tao Đàn – Nhị thập bát tú năm Hồng Đức thứ 25 (1494) Tr.720. Sđd.

* Dưới thời Cảnh Thống ông đảm nhiệm:

– Đông các Hiệu thư: Đinh Tỵ, Hồng Đức thứ 28 và Cảnh Thống Nguyên Niên (1497) Tr.729 Sđd.

– Lại khoa cấp sự Trung, năm Cảnh Thống Nguyên Niên (1498) Tr.734 Sđd.

– Phụng Thiên phủ Phủ Doãn năm Cảnh Thống thứ 2 (1499) Tr.739 Sđd.

– Đo Đình Úy: Năm Cảnh Thống thứ 3 (1500) Tr.747 Sđd.

– Hữu Thị Lang bộ Công: Năm Cảnh Thống thứ 4 (1501) Tr.749 Sđd.

– Tả Thị Lang bộ Binh: Năm Cảnh Thống thứ 5 (1502) Tr.752 Sđd.

– Tả Thị Lang bộ Lễ: Cảnh Thống thứ 5 (1502) Tr.752 Sđd.

– Tả Thị Lang bộ Lễ kiêm Hàn Lâm viên sự: Cảnh Thống thứ 6 (1503) Tr.753 Sđd.

* Dưới thời Đoan Khánh Ông đảm nhiệm các chức vị:

– Tả Thị Lang bộ Hộ kiêm Chiêu văn quán: Năm Đoan Khánh Nguyên Niên (1505) Tr.761 Sđd.

– Tả Thị Lang bộ Hộ kiêm Chánh sứ sang nhà Minh: Năm Đoan Khánh thứ 3 (1507) Tr.765 Sđd.

– Ngự sử đài Đô Ngự sử đài kiêm Tán lý quân vụ: Năm Đoan Khánh thứ 5 (1509) Tr.769 Sđd.

Tiến sĩ Dương Trực Nguyên không những là một đại thần thanh bạch, liêm chính yêu nước thương dân, một lòng vì lợi ích của nhân dân được 4 triều vua tín nhiệm, tin tưởng mà ông còn là một nhà thơ – một trong “Nhị thập bát tú” ở Hội Tao đàn do Lê Thánh Tông làm Tao đàn nguyên súy cùng 2 Phó Nguyên súy Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận. Dưới đây xin dẫn một số bài thơ tiêu biểu:

BÁI YẾT SƠN LĂNG (Ở LAM SƠN) CÓ XÚC CẢM

Mưa gội khóm hoa gấm vóc tươi

Sương ngưng cây biếc khói xa vời

Xa xa thuyền Ngự mờ sông nước;

Phấp phới tinh kỳ rực nắng trời.

Kinh cũ non sông xanh biếc biếc;

Quê vua lăng tảm chói ngời ngời.

Huy hoàng văn vật nay mừng thấy,

Bốn biển về đây đạo hiếu soi.

(Mai Hải dịch)

 

ĐẾN TỪ ĐƯỜNG KIẾN THỤY

Trước nhà một dải nước vây quanh

Thấp thoáng bồng hồ nhập mắt xanh

Cây cối um tùm mưa lả tả;

Ráng mây lạnh lẽ gió bồng bềnh

Phúc, lành cuồn cuộn nhiều năm trải:

Hiếu trị ngời ngời vạn họ sinh.

Hộ giá tiểu thần may được dụ,

Mong thành cá lớn biển mông mênh.

(Lâm Giang dịch)

Nguyễn Vinh Phúc

Ngày 10/12/2021, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua và ban hành Nghị quyết về việc đặt tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021, trong đó huyện Thường Tín có đường Dương Trực Nguyên, từ ngã ba giao cắt phố Nguyễn Phi Khanh tại tổ dân phố Trần Phú, thị trấn Thường Tín cạnh trường THPT Thường Tín đến cầu Thụy Ứng, xã Hòa Bình.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- “Đại Việt sử ký toàn thư” – NXB KHXH, H, 1971

- Đại Việt sử ký toàn thư – NXB Văn học H.2009;

- Thường Tín đất danh hương – Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây năm 2004. 

- Hội Tao đàn (NXB KHXH, 1994)

Xã Nguyễn Trãi