Di tích lịch sử

Đình Ninh Xá
Ngày đăng 07/03/2019 | 22:26  | View count: 2912

Ngôi đình này mang tên của làng, gọi là đình Ninh Xá, xưa kia, làng này có tên là Tạ Xá thuộc tổng Nam Phù, huyện Thanh Trì. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, thuộc xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.

Theo thần phả của Tả tham tri bộ lễ triều Lê soạn năm phúc thái thứ hai (năm 1644) hiện lưu tại di tích cùng 20 đạo sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn thì đình Ninh Xá thờ Pháp Công đại vương. Tiên tổ của Pháp Công vốn là người Đà Châu đất Bắc, ngụ cư ở Hải Dương. Đến thời Pháp Công thì di cư đến trang Tạ Xá (Ninh Xá ngày nay).

Vào thời Lê Nhân tông hoàng đế, niên hiệu Vĩnh Tộ (1691-1628), trong nước có loạn “giặc giã nổi lên như ong” (thần phả viết), vua ban chiếu tìm người dẹp giặc. Pháp công ra ứng thí. Do có tài thao lược, Ông được phong làm tướng quân. Ông chỉ huy hơn 10 trận thắng, được nhà vua khen ngợi. Ngày mồng 4 tháng giêng niên hiệu Dương Hòa nguyên niên (1635), Ông không bệnh tật mà mất tại Ninh Xá. Nhà vua thương tiếc, phong làm thành hoàng làng Ninh Xá và gia phong làm Phó quốc vương. Đạo sắc ngày 19 tháng 2 n ăm Khánh Đức thứ 4 (1652) cũng nghi như vậy.

Pháp Công mất khoảng 20 năm làng Ninh Xá đã lập đền thờ (mất năm Dương Hòa nguyên niên 1635, đạo sắc đầu tiên: Khánh Đức thứ 4 -1652). Bấy giờ quy mô đình còn nhỏ. Đến năm Tự Đức thứ 3 (1850) đình được xây dựng với quy mô hiện nay.

Công trình kiến trúc này được làm theo kiểu chữ đinh bao gồm tòa Đại bái và Hậu cung. Đại bái dài 17m, rộng 8,4m được chia làm 5 gian. Kết cấu kiến trúc theo kiểu thức bốn hàng chân gỗ và vì nóc kiểu chồng rường. lối kiến trúc phổ biến ở thời Nguyễn. Về điêu khắc, các bức cốn được đục chạm theo tích “tứ linh truyền bát”. Người xưa đã tập trung công sức, trí tuệ để thể hiện bốn con vật thiêng long, ly, quy, phượng đan xen quần tụ với cá, cua, long mã và hoa sen, sóng nước rất sinh động. Các bức cốn phía trong của tòa Đại bái điêu khắc “ngư long hý thủy”. Đặc biệt để tăng thêm vẻ đẹp và sự công phu cho công trình, mặt sau các bức cốn đều chạm nổi hoa lá cách điệu hoặc “Sơn thủy lâu đài”. Trên các quá giang, con rường, kẻ bẩy… đều chạm nổi các họa tiết lá lật, lá ngô đồng… rất uyển chuyển.

Hậu cung đình Ninh Xá – phần chuôi vồ theo phong cách gọi dân gian được làm theo kiểu bào trơn đóng bén. Nơi đây bài trí và lưu giữ nhiều di vật quý. Đáng chú ý trước cửa Hậu cung treo bức đại tự “Phó quốc vương từ” (đền thờ Phó quốc vương) và câu đối:

"Trung Hưng huân tích truyền Dương Tộ

Thượng quốc tinh thần thỏa nhị tô"

Tạm dịch:

"Công tích trung hưng truyền hai đời Dương Hòa, Vĩnh Tộ.

Tinh thần thượng quốc trải dài sông Nhị, sông Tô."

Được xây dựng ở một địa thế đẹp, gần đền Tè và chùa làng, đình Ninh Xá đã góp phần làm cho quần thể di tích Ninh Xá thêm phong phú lộng lẫy. Một quần thể di tích được Nhà nước công nhận năm 1992.