Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Đình Phú Mỹ

Ngôi đình này thuộc thôn Phú Mỹ, xã Thư Phú, huyện Thường Tín. Đình được xây dựng vào đầu thời Nguyễn – Gia Long cho chuyển một bộ phận dân cư Vĩnh Tuy (Hà Nội) về lập làng mới này và lập đình làng.

Từ Trung tâm thủ đô Hà Nội, theo đường quốc lộ 1A, đến ga Thường Tín, rẽ tay trái đi theo đường 71 khoảng 4km là tới di tích.

Căn cứ vào các đạo sắc phong, văn tế, hoành phi, câu đối ở đình làng thì đình Phú Mỹ thờ thành hoàng là ông A Thát Lạt, một vị tướng người Chiêm Thành. Sự tích như sau:

Đời Lý Thái Tông (1028 – 1054) vào năm Kỷ Mão (1039) trong nước có bọn Tồn Phúc làm phản ở Cao Bằng, âm mưu cát cứ. Vua thân chinh cầm quân đi dẹp loạn thắng lợi. Tình hình nội trị tạm yên nhưng ở phía Nam, giặc Chiêm Thành thường xuyên đem quân xâm lấn.

Biết việc làm đó là phi nghĩa, một số quan quân Chiêm Thành đã nhiều lần can vua không nên gây binh đao với nước Đại Việt, trong đó có ông A Thát Lạt nhưng vua Chiêm Thành không nghe. Ông đã cùng một số quân sĩ xin quy phục nước Đại Việt, ở lại nước Việt, lấy vợ người Việt là bà Nguyệt Nga. Ông bà đã có nhiều công lao giúp vua Lý, vì vậy, sau khi mất nhà Lý đã cho phép một số nơi lập đền thờ, trong đó có làng Phú Mỹ.

Đầu thời Nguyễn, từ năm 1802 – 1810, sau khi đã ổn định xong địa bàn cư trú mới, ba vị người họ Dương, họ Trần và họ Nguyễn đã đứng ra hưng công xây dựng đình làng Phú Mỹ. Đến năm Gia Long thứ 13 (1814) thì công việc hoàn thành. Nhìn tổng thể cho đến nay đình Phú Mỹ vẫn giữ được khá nguyên vẹn. Đình được kiến trúc kiểu chữ Tam: Đại bái, Trung cung (thiên hương) và Hậu cung. Về bố cục kiến trúc, di tích có sự khác biệt ở chỗ: thông thường hai dãy Tả - Hữu vu thường ở phía trước tòa Đại bái nhưng ở đây, cổ nhân lại xây dựng ở phía sau để tạo thành chữ nhật khép kín từ Đại bái vào Hậu cung. Khoảng trống giữa Đại bái và Hậu cung là tòa Thiên hương hai tầng tám mái.

Với lối bố cục ấy, nếu nhìn ở phía trước, vẻ lộng lẫy của ngôi đình chưa được lộ hết. Công trình thiên về chiều sâu, thâm nghiêm, kín đáo. Tòa Đại bái ở phía trước dài 18m, rộng 8,50m được chia làm 3 gian 2 dĩ. Hệ thống cột, xã, kèo, bẩy… đều được cổ nhân làm bằng gỗ lim. Cột cái khá lớn, chu vi trung bình là 1,40m. Về điêu khắc, nhìn chung ở cả Đại bái, Thiêu hương và Hậu cung, các đề tài phần lớn đều là “tứ linh” và “tứ quý” – vốn rất phổ biến ở thời Nguyễn. Nghệ thuật chạm khắc theo hình thức đăng đối, tỉ mỉ có cột vì kèo bên tả cổ nhân chạm nổi một mặt hổ phù lớn. hổ phù có sừng và tai rất ngộ nghĩnh. Sự cao vút ở giữa bố cục kiến trúc là tòa Thiêu hương với các đầu dao đều đặn và cong vút, duyên dáng cũng là nét đặc biệt của di tích này.

Xã Ninh Sở