Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Vân Tảo - Sức sống từ một làng nghề truyền thống

Từ nhiều năm nay, có khá nhiều gia đình ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín chuyển đổi sang trồng hoa cây cảnh. Hiện nay diện tích đất canh tác của xã có khoảng 400 mẫu nhưng đã có gần 200 mẫu được chuyển sang trồng hoa cây cảnh. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho lao động của địa phương.

          Về thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo vào những ngày cuối đông, chúng tôi bị cuốn hút vào màu xanh mướt của những vườn cây cảnh, cây thế. Với sức mạnh từ chính đôi bàn tay và khối óc người dân nơi đây đã tìm ra cho mình một nguồn sống mới từ hoa, cây cảnh, đồng thời cũng là một thú vui, một nét đẹp văn hóa đậm nét truyền thống. 50 năm qua, từ một vài hộ trồng hoa, cây cảnh truyền thống, đến nay đã lan rộng và trở thành hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp ở xã.  Các loại hoa cây cảnh được người dân trong xã đưa vào trồng đa dạng. Bên cạnh các hộ trồng các loại hoa cây cảnh ngắn ngày mang tích chất thời vụ, còn có nhiều hộ đầu tư lớn vào việc xây dựng các vườn sinh vật cảnh với các loại cây bon sai, cây công trình…..

Ảnh : Nghề trồng hoa, cây cảnh ở xã Vân Tảo đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ hàng trăm triệu đồng/năm

          Hiện nay, cả xã Vân Tảo có khoảng hơn 100 hộ chủ yếu ở thôn Nội Thôn trồng hoa, đào cảnh Tết, mỗi năm cung ứng khoảng trên 10 triệu sản phẩm hoa, cây cảnh các loại cho thị trường Tết. Giá trị thu lợi từ trồng hoa, cây cảnh từ 50 đến 60 triệu đồng một sào. So với cấy lúa thì trồng hoa, cây cảnh có thể gấp 15 thậm chí 20 lần. Nghề hoa, cây cảnh phát triển kéo theo một số dịch vụ như sản xuất chậu hoa, chậu cảnh, buôn bán hoa, cắt tỉa, chăm sóc cây cảnh… Hằng năm, làng nghề đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 300 đến 350 lao động, thu nhập bình quân mỗi lao động từ 10 triệu đến 15 triệu đồng/ người/ tháng góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, giảm bớt các tệ nạn xã hội tại địa phương. Thế mạnh của làng là Hoa đào. Hàng năm cứ mỗi độ tết đến xuân về làng lại rộn rã, náo nhiệt như trẩy hội bởi những đoàn khách khắp nơi tìm về đặt mua hoa đào, quất, cây kiểng… Có thể nói 2/3 số Hoa đào và cây cảnh của Thành phố Hà Nội là do làng nghề hoa cây cảnh làng Nội Thôn cung ứng.

          Điển hình phải kể đến vườn cây cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Vánh, thôn Nội Thôn, xã Vân Tảo. Gần 30 năm nay gắn bó với nghề trồng cây cảnh đủ loại, với anh, nghề trồng cây cảnh giờ không chỉ là một nghề kiếm tiền mà đã trở thành niềm đam mê, là công việc anh muốn được làm mỗi ngày. Với diện tích đất vườn hiện nay gia đình anh có hơn 1.000 m2 đất với hơn 30 loại cây khác nhau và gần 1.000 gốc đào, hàng năm cung cấp ra thị trường gần trăm cây cảnh và đào, cho thu nhập từ 70-100 triệu, sau khi trừ các chi phí.

Ảnh: Anh Nguyễn Văn Vánh đang tuốt lá kích thích đào ra hoa dịp Tết

          Với sự sáng tạo, tìm tòi của người dân nơi đây, hoa đào Vân Tảo ngày càng được khách hàng ưa chuộng bởi hội tụ đầy đủ các yếu tố: Dáng, thế, hoa, lộc…Riêng về hoa, hoa đào Vân Tảo bông to, sắc thắm, đựơc người chơi đào ưa chuộng. Các loại thế, dáng cũng ngày càng được sáng tạo, chau chuốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Hầu hết các vườn đào có quy mô tại xã trồng khoảng 300 – 500 gốc, với số vốn bỏ ra gần 700trđ. Nhiều nhà vườn lớn còn mạnh tay mở rộng qui mô lên đến trên dưới 1.000 cành và gốc thì bỏ ra mức vốn “khủng” hơn. Các năm trước, giá đào cành thường dao động từ 300.000 – 500.000 đồng, những cành to, đẹp có thể bán được 1.000.000 – 2.000.000 đồng. Đào cây bán cũng rất được giá. Những cây gốc to, thế đẹp, nếu ưng ý, khách hàng sẵn sàng trả giá lên tới chục triệu đồng. Tiếp nối thế hệ đi trước, nghề trồng đào ở Vân Tảo hôm nay đã có thêm nhiều ông chủ trẻ như anh Vánh, anh Khả, anh Thắng, anh Long,… sở hữu những gốc đào quý, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

          Năm 2011, làng nghề hoa, cây cảnh Vân Tảo đã được công nhận là Làng nghề truyền thống của TP Hà Nội. Hoa đào đã góp phần đưa cuộc sống người dân Vân Tảo ngày càng sung túc, khấm khá hơn, đem lại những khởi sắc cho diện mạo nông thôn vùng đất này. Phát triển, mở rộng diện trồng hoa, cây cảnh có chất lượng cao đang là hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện Thường Tín nói chung và xã Vân Tảo nói riêng. Từ hiệu quả thực tế cho thấy, nó đang ngày càng trở thành một nghề chính, dần chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp so với các ngành nghề khác của địa phương.

Hoài Thu