Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Hồn việt trong đường kim mũi chỉ nghề thêu Quất Động

Hỡi cô mà thắt bao xanh

Có về Quất Động với anh thì về

Quất Động anh đã có nghề

Thêu gà thêu vịt, thêu huê trên cành

Thêu cả tranh sơn thủy hữu tình

Thêu cả tranh ảnh của mình, của ta

Câu ca xưa đã đưa chúng tôi về với một làng quê cổ kính, êm đềm, nằm cách trung tâm huyện Thường Tín 2,5 km về phía Nam. Ngôi làng gắn liều với nghề thêu ren độc đáo và nổi tiếng hằng mấy thế kỉ nay, đó là làng nghề thêu Quất Động. Không biết nghề thêu có từ bao giờ, chỉ biết rằng, năm 40 sau công nguyên, sau cuộc khỏi nghĩa Hai Bà Trưng, là cờ thêu 6 chữ vàng “trả thù nhà, đền nợ nước” tung bay, đã làm quân thù hồn xiêu phách lạc. Nghệ thuật thêu đã hiện hữu trong dân gian từ ấy. Trải dọc suốt chiều dài hình chữ S, không phải chỉ có một Quất Động mới có nghề thêu, nhưng đây được coi là cội nguồn, là quê hương của nghề thủ công đặc sắc này. Bởi người được tôn vinh là ông tổ nghề thêu là cụ Lê Công Hành, là người con của Quất Động.

Bản sắc phong thời vua Lê Chiêu Thống (1786) đối với ông tổ nghề

Lê Công Hành - Ảnh Xuân Tiến

Trong ký ước của những người già Quất Động, khi nghề thêu ở thời kì phát triển cực thịnh, khắp trong làng, ngoài xóm, đầu đình, giếng nước, gốc đa, đâu đâu cũng có người ngồi thêu. Từ ông già, bả cả, nam thanh, nữ tú, cho đến trẻ con chừng 5-6 tuổi vừa say mê trong từng mũi kim, vừa chuyện trò rôm rả. Người dân Quất Động bao đời nay, vẫn lớn lên và sống nhờ vào nghề thêu truyền thống này.

 Ở Quất Động bây giờ, không còn nhà nhà làm thêu, người người làm thêu như trước nữa, nhưng mỗi hộ cũng có ít nhất từ một đến hai người vẫn còn giữ nghề với một mong muốn khác khau là có thể bảo tồn được nghề truyền thống mà cha ông đã bao đời gây dựng và phát triển.

Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường.. Nhìn những người thợ làm việc, chúng ta có cảm tưởng họ rất nhàn nhã, nhưng thực ra đó là một nghề đòi hỏi sự bền bỉ và siêng năng.

Khi xem những nghệ nhân Quất Động thêu, nhiều người phải thán phục nghề thêu là một nghệ thuật tuyệt vời. Chỉ bằng một cây kim, một sợi chỉ, một miếng vải, với đôi bàn tay khéo léo của những người thợ đã biến những chất liệu đơn giản thành những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt.

Một sản phẩm của nghề thêu Quất Động

Theo nghệ nhân Hoàng Thị Khương :  ai cũng có thể đến với nghề thêu nếu yêu và trân trọng nghề thêu. Để thêu một sản phẩm, đ ầu tiên, người thợ phải vẽ phác thảo trên vải bằng bút chì nhằm định hướng sau này sẽ thêu cái gì, nhưng trong quá trình thêu có thể tùy ý ngẫu tác theo cảm hứng và ngoại cảnh.

Họa tiết trong những sản phẩm của nghề thêu Quất Động thường là những cây cỏ, con vật quý hiếm như : tùng, trúc, cúc, mai, rồng phượng,  oanh, yến,cùng cảnh dân dã như chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, quần thể kiến trúc Cố đô Huế, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vịnh Hạ Long,… Mỗi tác phẩm đều mang đậm tính dân gian, thể hiện hồn quê, khơi dậy ở người xem tình yêu đối với non sông đất nước.

Tranh thêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam đã làm nên sức sống trong lòng người yêu tranh, với những bức tranh mang đậm hồn quê với cây đa, giếng nước, sân đình thơ mộng và hiền hòa. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, một làng nghề thêu tranh như Quất Động giữu vững và phát triển được không phải là chuyện dễ dàng. Để làm được điều đó, Quất Động đã biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống với hơi thở thời đại để làm hồi sinh một dòng tranh nổi tiếng- Tranh thêu tay Quất Động ./.

 

Bài và ảnh:   Xuân Tiến

Trung tâm Văn hóa – Thông tin  và Thể thao