Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

TỔ NGHỀ VÀ MỘT SỐ NGHỆ NHÂN TIÊU BIỂU

1. Tổ nghề

Trần Lư (Trần Lô) sinh năm 1470, người làng Bằng (Bình Vọng), xã Văn Bình, huyện Thượng Phúc (Thường Tín ngày nay). Cụ là cụ tổ nghề sơn hay đúng hơn là người đã nâng cao kĩ thuật sơn (gồm sơn dầu, sơn quang, sơn mài), làm tôn vinh giá trị của mặt hàng sơn Việt Nam.

Theo tài liệu "Bình Vọng Trần thị gia phả" gồm 3 quyển, 476 trang do Trần Công Ý, tự Hi Đạo soạn, hiện lưu giữ trong kho di sản Hán Nôm Việt Nam ta có thể biết đôi chút về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Trần Lư

Trần Lư, tức là Trần tướng công, sinh năm Canh Dần, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống thứ 5, đời Lê Hiến Tông.

Tương truyền, khi triều đình nhà Lê cử ông đi sứ sang nhà Minh, khi qua làng Quảng Mỹ, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, ông học thêm được kĩ thuật dùng sơn thếp vàng, thếp bạc trong mọi thời tiết ở đây. Nghệ thuật làm tranh của ông đạt trình độ cao

Về nước, ông truyền kĩ thuật sơn son, thếp vàng, thếp bạc, vẽ tranh sơn dầu cho bà con hàng xóm. Nhờ vậy, dân làng Bằng có nghề sơn phát triển cao hơn một bước. Mọi vật dụng trang trí bằng sơn ta tại các đền, chùa, đình, miếu, nhà thờ ở hầu hết các tỉnh miền Bắc đều do thợ sơn Bình Vọng đảm nhiệm.Nối tiếp truyền thống nghề sơn, nhiều thợ thủ công làng Bằng đạt đến trình độ tài hoa, như ông Đinh Vịnh (thế kỉ XVII), Đào Thúc Kiên (thế kỉ XVIII), được các triều đại phong kiến trọng dụng. Ngoài ra, nghề sơn còn được truyền bá đến Hạ Thái (Duyên Thái), Hà Vỹ (Lê Lợi) và một số nơi khác.

Trải qua các triều đại: Lê sơ, Tây Sơn, Nguyễn và Việt Nam dân chủ cộng hòa, hàng năm, cứ đến ngày giỗ của ông vào tháng Tám âm lịch, dân làng lại tập trung tổ chức "húy nhật đức thánh tổ nghệ"

Tuy nhiên, từ năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, từ năm 1947, chúng tiến hành nhiều cuộc càn quét, cướp của, giết người dã man và đốt phá nhiều làng xóm thuộc huyện Thường Tín. Cùng năm 1947, trừ ba ngôi nhà, còn cả làng, đình làng, đền thờ tổ nghệ bị đốt phá, san bằng.

Không chỉ riêng làng Bằng mà một số nơi như ở phố Nam Ngư, quận Hoàn Kiếm và ở số nhà 11, phố Hàng Hòm, Hà Nội cùng lập đền thờ "cụ Tổ nghề sơn"

Cụ Trần Lư đã mất từ lâu nhưng tài năng, đức độ, khí tiết trung với vua, yêu nước, thương dân và công lao của cụ vẫn mãi lưu danh trong sử sách và tâm trí của những người dân Việt Nam nói chung và người thợ nghề sơn nói riêng.

Lê Công Hành - ông tổ nghề thêu [1]

Lê Công Hành, thuở nhỏ tên thật là Bùi Công Hành, sinh ra tại Quất Động, một miền quê trồng lúa nước, phía Nam huyện lỵ Thường Tín. Như nhiều trai tráng khác, ngoài việc chăm chỉ cấy cày, ông còn chăm lo dùi mài kinh sử để phụng sự nước nhà.

Đầu thế kỉ XV, ông đang tham dự kì thi tuyển chọn nhân tài của triều đại nhà Hồ, thì đất nước bị giặc Minh ở phương Bắc xâm lược, khoa thi bị lỡ dở. Nghe tin Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Thanh Hóa, ông tìm mọi cách gia nhập làm nghĩa quân, hăng hái chiến đấu, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Năm 1428, kháng chiến chống quân Minh thắng lợi vẻ vang, ông ra làm quan với nhà Lê.

Thời vua Lê Thánh Tông, Bùi Công Hành được giao trọng trách dẫn đầu đoàn sứ bộ của triều đình đi sứ sang nhà Minh. Một lần vua Minh sai người dựng một chiếc lầu cao chót vót, mời Bùi Công Hành lên ngắm cảnh rồi bất ngờ rút thang lầu. Không có lối đi xuống, ông đưa mắt nhìn quanh thấy một pho tượng Phật Di Lặc, sơn son thếp vàng được đặt trên một bệ thờ. Trước mặt Phật là một bát hương còn nghi ngút khói, một đĩa trầu cau, một bát nước. Dưới chân bệ thờ là một chiếc chum to đựng nước cúng. Hai bên bệ thờ, chếch về phía trước là hai chiếc lọng có ngà xanh, ngà đỏ đẹp mắt. Ngoài cửa, trên cao trao một bức nghi môn thêu rồng phượng và chữ "Phật tại tâm".

Hai ngày liền, một mình trên lầu cao, chỉ uống tạm vài bát nước lã, không có thức ăn, bụng đói, ông suy nghĩ: có nước uống tất phải có lương ăn. Ông ngắm nhìn tượng Phật và bức nghi môn, gật gù rồi lẩm nhẩm "Phật tại tâm" tức là Phật ở trong lòng. Ông tiến đến tượng Phật, lấy móng tay cậy nhẹ bức tượng thì thấy bật ra một mảng con, nếm một chút thì lại thấy ngòn ngọt, ăn miếng to hơn thì thấy thơm ngon. Thì ra pho tượng này được nặn bằng bột chè lam, có thể ăn được.

Có thức ăn, nước uống, lại nhàn rỗi, ông quan sát kĩ chiếc lọng và tháo bức nghi môn xuống. Thấy chỉ màu đẹp mắt, đường thêu đều đặn, khéo léo, ông gỡ ra từng đường chỉ, xem xét các bộ phận: mắt rồng, vảy rồng, móng rồng... và ghi nhớ thật kĩ.

Khi ăn gần hết pho tượng Phật, uống gần hết chum nước. Ông bèn lấy hai cái lọng cầm ở hai tay, từ lầu cao nhảy xuống đất. Hai cái lọng như hai cái ô giương ra, đỡ ông tiếp đất an toàn.

Thấy vậy, vua tôi nhà Minh rất khâm phục tài trí của sứ thần Đại Việt, chuyến đi sứ của ông thành công trở về nước.

Ông về quê hương truyền nghề thêu màu nổi và nghề làm lọng cho dân làng Quất Động. Sau đó, dân các làng trong xã và một số làng ở các xã bên cùng sang Quất Động học nghề, từ đó nghề thêu ngày càng phát triển.

Ghi nhận đóng góp của ông trong lần đi sứ nhà Minh, vua Lê phong ông làm Kim Tử Vinh Lộc Đại phu, chức Tả thị lang bộ Công tước Thanh Lương hầu và cho đổi họ theo họ của vua, Bùi Công Hành chuyển thành Lê Công Hành.

Khi ông mất, triều đình nhà Lê truy tặng ông là Thượng thư Thái Bảo Lương Quận công.Ghi nhớ công lao truyền nghề thêu, vào thời vua Gia Long (đầu thế kỉ XIX), nhân dân các “tam Xá” (gồm Nguyên Xá, Bì Xá, Lưu Xá), Vũ Lăng (gồm (Khoái Nội, Khoái Cầu, Đào Xá), Hướng Dương (gồm Hướng Xá, Hướng Dương) và Quất Động dựng đền thờ tôn ông làm ông tổ nghề thêu vào ngày 12/6 Âm lịch.

Admin