Xã - thị trấn

XÃ HÒA BÌNH
Ngày đăng 10/03/2017 | 10:01  | View count: 5185

Hòa Bình là xã nằm ở phía Tây huyện Thường Tín; có diện tích tự nhiên 3,83 km2; dân số 6.950 người; đa số là người Kinh; phía Bắc giáp xã Khánh Hà, phía Tây giáp xã Hiền Giang, phía Nam giáp xã Văn Phú, phía Đông giáp xã Văn Bình, phía Đông Bắc giáp xã Nhị Khê.

 

Xã Hòa Bình ngày nay gồm các thôn: Thụy Ứng, Dưỡng Hiền, Quần Hiền và Phụng Công. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Thụy Ứng, Phụng Công, Dưỡng Hiền, Quần Hiền là các xã thuộc tổng Cổ Hiền, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Sau cách mạng tháng Tám, các thôn Thụy Ứng, Vân Trai, Tảo Môn, Yên Phú hợp nhất thành xã Thượng Hiền (tổng Nhị Khê cũ). Tháng 4/1946, các xã Quần Hiền, Dưỡng Hiền, Phụng Công và thôn Thụy Ứng hợp nhất thành xã Lam Nhạc. Tháng 6/1948, trước yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xã Lam Nhạc hợp nhất với xã Lương Văn Can (gồm các thôn Thượng Đình, Văn Xá, Trung Thôn và Nhị Khê) thành xã Quốc Tuấn. Tháng 5/1959, xã Quốc Tuấn tách thành hai xã: Hòa Bình và Quốc Tuấn. Từ đó, xã Hòa Bình gồm 4 thôn như ngày nay. Năm 1958, thôn Thụy Ứng xã Hòa Bình vinh dự được Bác Hồ về thăm và động viên cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.

Xã có Tỉnh lộ 427 chạy qua địa bàn, nối xã với Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc – Nam và kết nối với các xã thuộc huyện Thanh Oai, tạo điều kiện cho Hòa Bình phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân Hòa Bình gắn bó lâu đời với sản xuất nông nghiệp, giàu kinh nghiệm trồng lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ thế kỷ XV, một số nghề thủ công ra đời, phát triển, trong đó, nghề làm lược sừng ở Thụy Ứng, nghề mộc ở Phụng Công trở thành nghề truyền thống của địa phương. Từ thực tiễn sản xuất, các thế hệ người dân Hòa Bình đã xây đắp nên truyền thống lao động cần cù, dũng cảm, sáng tạo. Sau 30 năm, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xã Hòa Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông nghiệp đến năm 2015 giảm xuống còn 18%. Tỷ trọng công nghiệp – thủ công nghiệp – dịch vụ tăng lên mức trên 80%.

Xã có 01 di tích cấp Quốc gia (đình làng Thụy Ứng được công nhận năm 1990); 05 di tích cấp tỉnh (thành phố) gồm: Chùa làng Thụy Ứng (được công nhận năm 2004), Nhà thờ tổ (được công nhận năm 1989), đình làng Quần Hiền (được công nhận năm 1990), đình làng Dưỡng Hiền (được công nhận năm 1990), đình làng Phụng Công (được công nhận năm 2017).

Danh nhân cóNguyễn Trung Quán đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Quý Hợi, niên hiệu Chính Hòa thứ 21 (năm 1700).