Xã - thị trấn

XÃ DŨNG TIẾN
Ngày đăng 10/03/2017 | 10:01  | View count: 4070

Xã Dũng Tiến nằm ở phía Tây Nam huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên là 3,44 km2, dân số 8.392 người, đa số là người Kinh; phía Đông giáp xã Thắng Lợi, phía Tây giáp sông Nhuệ, phía Nam giáp xã Nghiêm Xuyên, phía Bắc giáp sông Cầu Giành và thôn Vĩnh Mộ (thuộc xã Nguyễn Trãi).

 

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Dũng Tiến thuộc tổng Đông Cứu, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, gồm các xã: Đông Cứu, Ba Lăng, Cổ Chất, Vĩnh Mộ, Cao Xá, Cống Xuyên và hai thôn Bất Một Thượng và Bất Một Hạ. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền cách mạng vẫn giữ nguyên các xã như trước, nhưng cắt 02 thôn Bất Một Thượng và Bất Một Hạ về xã Thắng Lợi.

Tháng 4/1946, các xã được sắp xếp lại, gồm xã Ba Xuyên (xã Ba Lăng hợp nhất với xã Cống Xuyên); xã Đông – Cao – Cổ (hợp nhất các xã Đông Cứu, Cổ Chất, Cao Xá); xã Minh Đức (hợp nhất xã Vĩnh Mộ, Gia Khánh, Gia Phúc); xã Nghiêm Xuyên (hợp nhất các xã Liễu Viên, Nghiêm Xá).

Tháng 6/1948, chính quyền kháng chiến tiếp tục kiện toàn các xã. Các xã Ba Xuyên, Đông – Cao – Cổ, Nghiêm Xuyên được hợp nhất thành một xã lấy tên là Dũng Tiến. Sau cải cách ruộng đất, năm 1957, xã Dũng Tiến tách thành hai xã: xã Dũng Tiến gồm 04 thôn: Ba Lăng, Cổ Chất, Đông Cứu và Cao Xá; xã Quyết Tiến (năm 1976 đổi tên là Nghiêm Xuyên) gồm 03 thôn: Nghiêm Xá, Liễu Viên, Cống Xuyên.

Xã có đường thủy, đường bộ bao quanh tạo điều kiện giao lưu kinh tế - văn hóa. Về mặt quân sự, xã có tầm quan trọng chiến lược, là nơi tiến thoái dễ dàng đi các nơi bằng đường thủy (theo sông Nhuệ), bằng đường bộ (theo Quốc lộ 1A và Đường 429). Xã Dũng Tiến được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp.

Nhân dân Dũng Tiến sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Một số làng có nghề truyền thống như thêu ren, mộc, nề với nhiều nghệ nhân có tay nghề cao, đặc biệt là nghề thêu ren. Ngoài ra, trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, ở Dũng Tiến còn phát triển thêm một số nghề mới như: Tranh kính, gò thùng, mộc cao cấp, in lưới áo dài, sơn mài…

Xã có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, thành phố: Đền làng Đông Cứu và Chùa làng Đông Cứu đều được công nhận năm 1998.