Xã - thị trấn

XÃ CHƯƠNG DƯƠNG
Ngày đăng 10/03/2017 | 09:35  | View count: 5624

Chương Dương là xã nằm ở phía Đông huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên là 3,91 km2; dân số 5.385 người[1], đa số là người kinh, theo truyền thống thờ cúng tổ tiên. Từ giữa thế kỷ XIX, các giáo sĩ phương Tây về truyền đạo nên một số người dân theo đạo Thiên chúa; phía Đông giáp sông Hồng và xã Tự Nhiên; phía Tây giáp xã Quất Động, phía Bắc giáp xã Thư Phú, xã Vân Tảo; phía Nam giáp xã Lê Lợi.

Chương Dương là xã nằm ở phía Đông huyện Thường Tín, có diện tích tự nhiên là 3,91 km2; dân số 5.385 người [1], đa số là người kinh, theo truyền thống thờ cúng tổ tiên. Từ giữa thế kỷ XIX, các giáo sĩ phương Tây về truyền đạo nên một số người dân theo đạo Thiên chúa; phía Đông giáp sông Hồng và xã Tự Nhiên; phía Tây giáp xã Quất Động, phía Bắc giáp xã Thư Phú, xã Vân Tảo; phía Nam giáp xã Lê Lợi.

Xã có 3 thôn, gồm: Chương Dương, Chương Lộc, Kỳ Dương. Cuối thế kỷ XIX (thời Pháp thuộc), Chương Dương (Chân Giang), Chương Lộc, Kỳ Dương là những xã riêng, cùng với các xã Vĩnh Lộc, Thư Dương, Tự Nhiên, Yên Cảnh, Bộ Đầu, Cát Bi thuộc tổng Chương Dương, phủ Thường Tín. Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Tháng 4/1946, các xã Chương Dương, Chương Lộc, Kỳ Dương hợp nhất thành xã Chương Dương, gồm 03 thôn: Chương Dương, Chương Lộc, Kỳ Dương.

Ngày 20/8/1948, trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các xã Chương Dương, Vĩnh – Thư – Phú, xã Tự Nhiên hợp nhất thành xã Quang Khải, gồm bảy thôn: Chương Dương, Chương Lộc, Kỳ Dương, Thư Dương, Phú Mỹ, Vĩnh Lộc và Tự Nhiên.

Sau cải cách ruộng đất, vào năm 1957, xã Quang Khải được tách thành hai xã: Quang Khải và Hồng Châu. Xã Quang Khải gồm các thôn: Thư Dương, Vĩnh Lộc, Phú Mỹ, Chương Dương, Kỳ Dương, Chương Lộc. Xã Hồng Châu là thôn Tự Nhiên sau đổi thành xã Tự Nhiên.

Tháng 2/1959, xã Quang Khải lại tách thành 02 xã: Quang Khải và Độc Lập. Xã Quang Khải gồm 03 thôn: Chương Dương, Kỳ Dương, Chương Lộc. Xã Độc Lập gồm 03 thôn: Thư Dương, Vĩnh Lộc, Phú Mỹ. Tháng 1/1971, xã Quang Khải đổi tên thành xã Chương Dương; xã Độc Lập đổi tên thành xã Thư Phú. Xã Chương Dương gồm 03 thôn như hiện nay.

Xã có điều kiện thuận lợi về giao thông thủy, bộ. Bến đò Chương Dương (Chương Dương độ cũ) nằm bên bờ phải sông Hồng, cùng với cảng Hồng Vân là điểm trung chuyển nối Thường Tín với các xã thuộc tỉnh Hưng Yên. Đê sông Hồng được tu bổ, gia cố vững chắc, tạo thành đường giao thông trên bộ thuận lợi, song song với đường Quốc lộ 1A. Các tuyến đường liên xã nối Chương Dương với Vân Tảo, Quất Động… giúp xã Chương Dương có nhiều thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là địa bàn quan trọng về quốc phòng – an ninh.

Xã có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia: Đền - Bến Chương Dương (nơi ghi dấu chiến công của quân dân nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông lần thứ hai trong thế kỷ XIII), Chùa Chương Dương đều được công nhận năm 2003.

Danh nhân có Tiến sĩ Lương Mậu Huân đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Trị thứ 2 (1664); tiến sĩ Đào Duy Doãn đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 21 (1760).

 

[1] Dân số của các xã, thị trấn  số liệu tính đến năm 2016.