Tin Xã, thị trấn

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung
Ngày đăng 08/05/2024 | 09:00  | View count: 138

Hàng năm, từ ngày 30/3 – 2/4 âm lịch, tại xã Tự Nhiên lại diễn ra Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đây là một trong những lễ hội lâu đời, lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa lịch sử vùng Đồng bằng sông Hồng.

Truyền thuyết kể về huyền thoại tình yêu giữa Chử Đồng Tử - Tiên Dung kỳ lạ vào loại bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Một nàng công chúa lá ngọc cành vàng (công chúa Tiên Dung, con gái vua Hùng Vương thứ 18), nhan sắc tuyệt trần, nhưng lại không có ý định lấy chồng, đã bất chấp mọi lễ giáo phong kiến, ngôi vị thứ bậc trong xã hội để yêu, kết mối lương duyên trời se với người con trai nghèo đến không có quần áo che thân, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng lại rất mực hiếu thảo tên là Chử Đồng Tử. Họ mưu sinh bằng nghề chài lưới và trao đổi hàng hoá trên sông. Nơi ấy trở thành nơi đô hội, thuyền bè buôn bán tấp nập.

Cảm mến tình cảm vợ chồng Chử Đồng Tử - Tiên Dung, tiên ông đã truyền phép thần cho Chử Đồng Tử. Họ cùng nhau đi khắp vùng Khoái Châu (Hưng Yên) dùng chiếc gậy thần để cứu sống những người chết do bị nạn dịch, đói khổ… Trên đường cứu nhân độ thế, Tiên Dung tình cờ gặp nàng Tây Sa (Hồng Vân) vốn là công chúa Tây cung giáng trần, bèn kết nghĩa chị em, rồi se duyên cho Chử Đồng Tử, cùng nhau giúp đời. Nàng Tây Sa rất giỏi bùa chú dùng chiếc gậy thần và cái nón tiên xây dựng cung điện bằng châu ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa. Đi đến đâu, họ cũng dang rộng vòng tay để cứu giúp người khó, người khổ, chỉ đường dẫn lối cho họ sống tốt hơn.

Khi nhà vua lâm bệnh nặng, Chử Đồng Tử và Tiên Dung đã bí mật cho nàng Tây Sa về chữa bệnh cho vua cha. Được thuốc tiên, nhà vua khỏi bệnh liền phong cho nàng Tây Sa là “Công chúa của nước phật”.

Có kẻ nịnh thần về kinh đô tâu với Vua Hùng rằng: Vợ chồng công chúa Tiên Dung dùng phép lạ dựng thành quách, muốn lập riêng bờ cõi. Ngỡ con làm phản, Vua Hùng sai quan quân đến dẹp. Vợ chồng Chử Đồng Tử không dám cưỡng lại mệnh cha, chờ chịu tội. Nửa đêm hôm ấy một trận cuồng phong nổi lên, cả lâu đài thành quách của vợ chồng Chử Đồng Tử cùng bay lên trời, để lại một đầm nước rộng mênh mông. Người đời sau gọi đầm ấy là đầm Nhất Dạ (đầm một đêm). Nơi Chử Đồng Tử vùi thân giấu mình nay thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội hiện có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là: đình Hạ - đình Thượng và khu Giá ngự. Đây chính là quần thể di tích thờ Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và Hồng Vân công chúa.

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia: đình Hạ - đình Thượng  và khu Giá ngự xã Tự nhiên

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung xã Tự Nhiên bao gồm các mục rước nước và rước kiệu như: cờ bát bửu, hương án, kiệu, quân đèn, long đình… Rước nước là một nghi lễ đi thuyền ra giữa sông Hồng, múc nước vào cái chum rồi đem về lễ thánh. Những người cao tuổi trong xã nói việc rước nước không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc mà còn thể hiện nét tín ngưỡng sâu sắc, nhằm tưởng nhớ về thánh Chử Đồng Tử với nghề đánh cá xuôi ngược trên sông.

Rước kiệu được cử hành long trọng đúng với nghi lễ cổ truyền, một nghi lễ trọng thể đầy đủ các tự khí với trống chiêng rộn ràng, cờ quạt tàn, tán phấp phới, tàn lọng và những bản nhạc của phường bát âm.

Lễ rước kiệu từ Đình làng đến khu Giá ngự ra bãi tắm nàng tiên trong lễ hội

Vào ngày chính hội, nhân dân nô nức rước ngay từ Đình làng qua các cụm dân cư số 2, số 1 đến khu Giá ngự ra bãi tắm nàng tiên. Tại đây, đám rước sẽ lấy nước cọ kiệu và diễn lại tích huyền thoại tình yêu “Chử Đồng Tử gặp công chúa Tiên Dung” và du thuyền trên sông. Tiếp đến là màn rước đức thành Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân cùng các cùng các nghi thức của lễ hội về khu Giá ngự. Sau cùng là màn rước Tam vị thánh tiên cùng các nghi thức của lễ hội về đình.

 

Màn múa rồng tại lễ hội

Trong khuôn khổ những ngày diễn ra lễ hội năm nay, Ban tổ chức đã trưng bày các nghi thức và trồng kiệu, tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ truyền thống, múa rồng, múa bồng, múa sênh tiền … tại khu Giá ngự và sân đình để nhân dân cùng du khách thập phương về dự lễ hội được trở về với không gian văn hoá lâu đời, bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng ven sông Hồng từ hàng ngàn năm về trước, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy và khai thác giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, kinh tế - xã hội tại địa phương./.

Hoài Thu