Tin Xã, thị trấn
Từ mùng 5 Tết đến hết tháng Giêng âm lịch, trên khắp địa bàn huyện Thường Tín có rất nhiều lễ hội đặc sắc, diễn ra sôi động, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương tham gia.
*Ngày 16/2/2024 (mồng 7, tháng giêng âm lịch), xã Tô Hiệu tổ chức khai mạc lễ hội Chùa Mui truyền thống. Không biết từ khi nào, lễ hội Chùa Mui đã trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa dân gian, một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân xã Tô Hiệu.
Khu di tích là tổ hợp của đình làng, chùa làng và đền thờ cụ Hậu - một người con của làng An Duyên đã hiến toàn bộ số đất đai, của cải cho dân làng sau khi qua đời. Quần thể di tích lịch sử văn hóa Đình- Chùa Mui là công trình cổ kính, quý hiếm, lưu giữ nhiều di sản văn hóa nghệ thuật. Được xây dựng từ thời nhà Lý có quy mô khép kín, quang cảnh đẹp, diện tích rộng, thoáng mát, đường đi vào thuận tiện, đã được Bộ Văn hóa- Thông Tin thể thao và du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia năm 1995.
Tiết mục hát quan họ tại Lễ hội
Lễ hội Chùa Mui được tổ chức với các hoạt động phong phú như diễn xướng dân gian, văn nghệ, thể thao; các trò chơi dân gian, hiện đại như hát quan họ, cờ người, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương về dự lễ hội.
Trận giao đấu trong hội gậy truyền thống và hát quan họ tại lễ hội chùa Mui
Lễ hội Chùa Mui năm 2024, UBND xã Tô Hiệu đã có sự chuẩn bị chu đáo, xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm hạn chế tối đa các tình trạng trò chơi đỏ đen, cảnh bán hàng nhếch nhác, hàng quán được quy hoạch vào một khu nhất định đảm bảo cảnh quan cho lễ hội và di tích, thuận tiện cho du khách tới tham dự lễ hội. Các hoạt động dịch vụ phục vụ trong lễ hội được quy hoạch đi vào nề nếp, có sự quản lý, giám sát của Ban Tổ chức lễ hội. An ninh trật tự cho di tích và khách thập phương đến tham dự lễ hội được đảm bảo phục vụ ngày diễn ra lễ hội.
*Ngày 17/2 (mồng 7, tháng giêng âm lịch) – ngày khai hội chùa Đậu năm 2024 đã thu hút nhiều du khách đến trẩy hội. Về dự khai hội có đồng chí Nguyễn Tiến Minh – Thành uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ.
Lễ hội chùa Đậu khai hội sáng mùng 8 tháng Giêng Âm lịch
Chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi tên chữ là Thành Đạo Tự, chùa thờ Đức Pháp Vũ. Theo truyền thuyết, chùa là nơi hiển thân của Bồ Tát Pháp Vũ. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử đã ghi lại dấu ấn đậm nét của bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Bởi vậy từ xa xưa ngôi chùa này đã từng có các triều đại Vua, Chúa lui tới lễ bái, cầu đảo, cầu cho quốc thái dân an, nên gọi là “Quốc đảo”, các chí sĩ đến đây cầu nguyện đăng khoa, công danh rạng rỡ, sự nghiệp viên thành, người nông dân cầu nguyện cho sức khoẻ, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.
BTC và nhà chùa tổ chức Lễ khai hội
Hàng năm, lễ hội chùa Đậu được tổ chức vào ngày mùng 8 đến 10 tháng Giêng Âm lịch. Đây là dịp để nhân dân địa phương và du khách thập phương về chiêm bái, lễ phật, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.
Năm nay, do lượng khách đến lễ chùa rất đông nên công tác tuyên truyền được Ban Tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh để tất cả du khách đến hành lễ đều biết và thực hiện.
Theo ghi nhận, mặc dù lượng khách đông nhưng tại chùa không xảy ra hiện tương chen lấn, xô đẩy, người dân đi lễ đã nâng cao ý thức, giữ gìn sự trang nghiêm khi đến chùa.
* Cũng trong ngày 17/2 (8 tháng Giêng âm lịch), tại thôn Bộ Đầu, xã Thống Nhất đã diễn ra Hội đền Quán Thánh. Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc mang đậm nét truyền thông dân tộc, thu hút nhiều quan khách tham gia.
Tặng hoa chúc mừng
Ngày 6/2/1979, đền Quán Thánh được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa. Năm 2011, được UNESCO công nhận là một trong 8 nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại lễ khai hội
Ngày 8/1 Âm lịch năm nay, lễ hội tại đền Quán Thánh được diễn ra với sự tham gia của đông đảo người dân địa phương cũng như quan khách nhiều nơi đổ về.
Tại đây có nhiều trò chơi dân gian như: Bơi thuyền bắt vịt, thi bơi trải trên sông Hồng và độc đáo nhất vẫn là trò múa gậy chầu Thánh. Gậy múa là đoạn tre dài 2,5 - 2,8m. Người tham gia tay cầm ôm nửa vòng thân gậy để lỡ đối phương có đánh róc mía gậy trượt trên mặt thân tre không vào ngón tay người đỡ.
Múa gậy chầu thánh
Không chỉ có các trò chơi, lễ hội còn tấp nập với các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống như hát quan họ, đánh đu trên tấm tre dài… cùng nhiều hoạt động đặc sắc khác.
Anh Ngọc Anh – du khách, chia sẻ sau khi tham gia lễ hội: “Hội đền Đông Bộ Đầu có rất nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, mang nhiều nét truyền thống, mình thấy rất ấn tượng khi tham gia và trải nghiệm các hoạt động tại đây. Là người yêu những nét văn hóa, mình nghĩ các bạn trẻ rất nên dành thời gian trải nghiệm các hoạt động tại các lễ hội nhiều vùng miền để vừa mở mang kiến thức, vừa có thêm kỷ niệm thú vị”.
Hoài Thu – Diệu Hương – Phương Thanh