Tin Xã, thị trấn

Người tiên phong di dời mộ thực hiện dự án xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô
Ngày đăng 24/01/2023 | 21:40  | View count: 712

Trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô đi qua địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín thì việc khó khăn nhất chính là vận động, thuyết phục người dân di dời mồ mả, đặc biệt là việc di dời những ngôi mộ tổ đã có cách đây hàng trăm năm. Bởi trong tiềm thức văn hóa, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của người Việt, mồ mả của tổ tiên, cha ông là nơi linh thiêng, bất di bất dịch.

Để xây dựng dự án, nhiều hộ dân ở thôn Văn Giáp, xã Văn Bình đã đồng thuận di dời phần mộ của người thân, gia tộc, trong đó tiêu biểu là ông Nguyễn Hữu Tôn, Trưởng tộc họ Nguyễn Hữu, sinh năm 1969, ở xóm 1, thôn Văn Giáp, xã Văn Bình. Là địa phương có số lượng mồ mả cần phải di chuyển lớn nhất so với 09 xã trong huyện Thường Tín có đường Vành đai 4 đi qua, trong đó ở thôn Văn Giáp, số mộ cần phải di chuyển là 1.513 ngôi thì riêng dòng họ Nguyễn Hữu có 300 ngôi mộ, chiếm 1/3 tổng số mộ.

Ông Nguyễn Hữu Tôn tại khu mộ mới của dòng họ

Dòng họ Ng uyễn Hữu của ông Tôn có tới 04 chi với hơn 500 suất đinh (là con trai trong dòng họ). Ngôi mộ tổ của dòng họ Nguyễn Hữu đã chôn cách đây hơn 300 năm và theo các "thầy" xem thì mộ đã kết được hơn 10 đời. Cùng với đó, số mộ cần phải di dời là 300 ngôi mộ nên việc vận động dòng họ cho di dời để giải phóng mặt bằng cho Nhà nước là vô cùng khó khăn. Tuy nhiên ông Tôn luôn suy nghĩ, với chức vị là trưởng tộc mà mình không kiên trì thuyết phục để bà con, anh em nghe theo thì biết đến bao giờ Nhà nước mới xây dựng được công trình lớn để phát triển. Nghĩ là thế, song đến lúc triệu tập con, cháu về họp bàn thì nảy sinh ra muôn vàn ý kiến, khó khăn.

 

Ông nhớ lại: Hôm đầu tiên các con, cháu về họp bàn, khi ông đưa ra ý kiến di dời mộ tổ để bàn giao mặt bằng cho dự án thì không một ai đồng ý mặc dù Nhà nước sẽ hỗ trợ gần 4 tỷ đồng cho việc di dời. Có người còn nói thẳng rằng: "Ông thích thì ông cứ làm nhưng dòng tộc nếu có chuyện gì xảy ra thì ông phải chịu hết mọi điều". Nghe vậy, ông cũng sợ, cũng lo. Vợ và các con ông tuy ủng hộ nhưng vẫn nhỏ nhẹ khuyên can ông đừng di dời mộ nữa, nhiều đêm vợ ông thủ thỉ: "Mình cứ kiên quyết làm nếu lỡ sau này có vấn đề gì thì chỉ có một mình gia đình mình gánh chịu, rồi họ sẽ oán trách cả đời". Nghe xong, ông trấn an vợ và các con: "Ai cũng không chịu di dời hết thì làm sao mà Nhà nước xây dựng dự án được, hơn nữa tôi nghĩ chắc các ngài bề trên cũng hiểu cho việc làm của mình là vì dân, vì nước, vì quê hương nên chẳng nỡ quở trách mình đâu".

 

Sát cánh cùng với ông trong chuỗi ngày thuyết phục bà con trong dòng họ là các cán bộ thôn Văn Giáp và lãnh đạo xã Văn Bình nên ông càng có thêm niềm tin để thực hiện công việc của mình. Sau 1 thời gian kiên trì thuyết phục, cuối cùng mọi người trong họ tộc cũng đã nghe ra và đồng lòng với ông để di dời ngôi mộ tổ. Ông Tôn tâm sự: "Là một người dân thì phải có trách nhiệm đối với Nhà nước, với xã hội. Mình làm đầu tiên chẳng phải để trở thành người nổi tiếng hay gương mẫu gì mà mình phải vì quê hương. Sau khi các công trình lớn được xây dựng, kinh tế của thành phố, của huyện, của làng quê sẽ phát triển và đời sống của người dân sẽ được nâng lên, sẽ hết đói nghèo. Vậy thì mình phải ủng hộ Nhà nước, ủng hộ chủ trương chứ".

 

Ông Vũ Văn Thư – Trưởng thôn Văn Giáp chia sẻ: "Không chỉ có việc di dời mồ mả này đâu mà bất cứ việc gì của làng, của xã nếu có lợi cho cộng đồng, cho Nhà nước là bác Tôn luôn nhiệt tình ủng hộ. Từ việc làm tiên phong của bác Tôn, đến nay nhiều gia đình, nhiều dòng họ đã ủng hộ việc giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô đi qua xã. Tính đến thời điểm ngày 14/02/2023, các hộ dân xã Văn Bình có mồ mả nằm trong chỉ giới đường Vành đai 4 đi qua đã di chuyển được 1.227/1.513 ngôi mộ, đạt tỷ lệ 81,09%, trong đó riêng thôn Văn Giáp đã di chuyển được 1.150/1.227 ngôi mộ.

Hoài Thu