danh lam - thắng cảnh

Di tích Đình, Đền, Chùa Đào Xá –Nét cổ kính không gian tâm linh làng quê Việt Nam
Ngày đăng 16/03/2022 | 22:45  | View count: 2967

Làng Đào Xá, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội mang nét cổ kính, thâm trầm, bạc màu thời gian. Có lẽ vì thế nơi đây là không gian tâm linh bao gồm cả Đình, Đền, Chùa nằm trong một quần thể, nơi gửi gắm ước vọng của người dân về một cuộc sống an bình, hạnh phúc.

 

Đình, Đền, Chùa  Đào Xá (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội) từ bao đời nay đã là không gian sinh hoạt tâm linh của người dân làng Đào Xá. Với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn của Đình, Chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, Đình, Đền, Chùa Đào Xá đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Toàn cảnh Đình, Đền, Chùa Đào Xá từ trên cao

Cổng vào di tích Đình, Đền, Chùa Đào Xá

Trải qua thời gian, đến nay, ngôi đình, đền, chùa này vẫn giữ được những nét nguyên bản của ngôi đình chùa vùng nông thôn xưa. Như nhiều những làng quê có cây đa, giếng nước, sân đình khác, Đào Xá đã có lịch sử tự nghìn năm. Trải qua năm tháng, hồn quê càng thấm vào cảnh sắc và con người qua nhiều thế hệ. Di tích Đình, Đền, Chùa làng Đào Xá sở hữu nét đặc biệt mà ít có địa phương nào có, đó là, trong một làng lại có tới 2 ngôi Đình liền kề nhau. Cũng là một trong số ít làng còn giữ được kiến trúc tâm linh liên hoàn Đình - Đền - Chùa và hệ thống sân, cổng, ao, cùng cây cổ thụ.

Đình - Đền - Chùa làng Đào Xá mang đậm dấu ấn văn hóa thời Hậu Lê. Tam quan là cổng chung cho cả quần thể, mang vẻ bề thế, cổ kính. Mỗi cổng đều có 2 tầng, gác chuông, lầu khánh. Cổng chính đề 4 chữ “Nhật chiếu nguyệt lâm”, hướng về phía tây nam, cao 15m, trước mặt là sân rộng tạo vẻ uy nghi, bề thế khi nhìn từ phía xa.

Đình Tây Đào Xá được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ Nhị gồm: Tam quan, nhà tiền tế và đại bái. Đến thời Nguyễn được xây dựng thêm hậu cung. Nhà tiền tế được chia thành năm gian, kết cấu kiến trúc theo nghệ thuật thời Lê Trung Hưng.

Ngôi Đình Tây trong di tích Đình, Đền, Chùa Đào Xá

Lãnh đạo huyện Thường Tín dâng hương dịp lễ hội của làng

Đại bái Đình Tây có kiến trúc bốn hàng cột gỗ, vì nóc chồng rường con nhị, có đấu vuông thót đáy, đầu chạm rồng có râu tóc hình tia lửa và đao mác. Trên tám bức cốn còn nguyên vẹn, chạm các tích độc long, rồng mẫu tử. Trên câu đầu có ghi dòng chữ Hán “Chính Hòa nguyên niên” thời Hậu Lê, được trang trí bởi các hoành phi, câu đối, đồ tế tự… Hậu cung được bắt đầu bằng cửa võng 3 tầng với lưỡng long chầu nguyệt liên kết với đại bái bằng hệ thống kẻ góc. Trong Hậu cung có bệ thờ một khảm lớn sơn son thếp vàng, bài trí long ngai bài vị thờ thành hoàng làng là ông Lê Công Hành – ông tổ nghề thêu.

Ngôi Đình Đông trong di tích Đình, Đền, Chùa Đào Xá

Ngôi Đình Đông (hay gọi là Đền) có cấu trúc liên hoàn theo kiểu chữ Tam, bao gồm tòa nhà tiền tế, thiên hương và hậu cung. Phía trước Đình có cây muỗm cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Kiến trúc nhà tiền tế có kết cấu bốn chân cột gỗ được kê bởi đá xanh cổ bồng. Nét nổi bật của Đình là cấu trúc bộ vì theo kiểu thượng rường hạ kẻ, từ bốn góc là bộ kẻ gọng vó như phòng khuê các. Tòa thiêu hương hình vuông gắn liền với nhà tiền tế được phân cách bởi hệ thống ván thủng và cửa bức bàn, có bốn cột hình vuông được kê đá, chạm trổ hoa văn, cấu trúc cột diêm tạo thành 2 tầng tám mái, trên đỉnh nóc với hình chim phượng. Trong cùng Đình Đông là hậu cung, bài trí hai sập, một khám thờ chạm trổ hình lưỡng long chầu nguyệt, cuốn thư điểm rồng vờn mây, hoa lá, có long ngai bài vị thờ Tiên Dung công chúa.

Ngôi Chùa trong di tích Đình, Đền, Chùa Đào Xá

Nằm trong cùng quần thể di tích là chùa Đào Xá, chùa có lối kiến trúc kiểu chữ Đinh, bao gồm tòa tiền đường và thượng điện. Phần chính của tiền đường có hệ thống cửa bức bàn. Tiền đường kết cấu theo hình thức bốn hàng chân gỗ với vì nóc kiểu chồng rường con nhị. Các chi tiết kẻ bẩy được chạm trổ hoa văn kiểu chữ triện, các cửa nối từ cột cái này sang cột cái khác đều chạm theo đề tài từ linh tứ quý. Hương án giữa chạm rồng độc long, phía trên chạm nổi cánh sen, xung quanh chạm nổi sáu cặp lưỡng long chầu nguyệt, phía trước hương án chạm nổi hình bảy rồng yên ngựa. Đây là di vật có từ đời Mạc thế kỷ XVI.

Cổng di tích Đình, Đền, Chùa Đào Xá nhìn từ trong ra

Với những giá trị lịch sử nang nét cổ kính làng quê việt, 3 di tích đình Đông, Đình Tây và chùa Đào Xá đều được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia năm 2000. Tất cả những giá trị truyền thống này trở thành nền tảng vững chắc để người Đào Xá hôm nay tiếp tục khắc phục khó khăn, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp.

Xuân Tiến