danh lam - thắng cảnh
Tục ngữ Hà Đông xưa có câu: “Mỗ, La, Canh, Cót tứ danh hương”. Bốn làng này thuộc Quận Nam Từ Liêm, Quận Hà Đông, huyện Hoài Đức và Quận Cầu Giấy, được gọi là danh hương bởi có tiếng là đất văn vật, có nhiều người hiển đạt, làng quê trù phú, thịnh vượng. Cũng hàm nghĩa ấy, Cao Bá Quát (1809 – 1855) đã ngợi ca vùng đất Thường Tín ở phía nam Hà Nội trong bài thơ “Tiễn bạn Trúc Khê đi nhậm chức ở Thường Tín”: Văn nhã danh hương cổ hữu vân (xưa là đất văn vật, có tiếng).
Nhà thờ Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi
ở thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1964
Trước đó, ở thế kỷ XV, ghi chép về vùng đất Thường Tín, trong sách “Dư địa chí” Nguyễn Trãi đã viết: “Là vùng đất cao ráo bằng phẳng, ruộng thì vào hạng thượng thặng, cấy lúa thích hợp, nhân công làm lụng hơn các lộ khác, các triều phí dụng nuôi quân đều nhờ ở đây”. Như vậy, ngay từ thời phong kiến, với vị thế ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, “cửa ngõ” kinh đô, Thường Tín đã có những làng quê nông nghiệp trù phú, đồng thời là nơi tiếp nhận và lan toả nhiều giá trị văn hoá kinh kỳ, xuất hiện nhiều nhân vật kiệt xuất, có tiếng là đất danh hương.
Làm nên truyền thống đất danh hương là các bậc danh nhân, các nhân vật lịch sử. Ở bất cứ thời kỳ nào, Thường Tín đều có nhân vật kiệt xuất. Thời phong kiến là Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Dương Trực Nguyên; trong các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nổi bật là Lương Văn Can - người sáng lập phong trào Đông kinh nghĩa thục và những người con của ông như: Lương Ngọc Quyến, Lương Trúc Đàm. Đồng thời, trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, Thường Tín còn có 68 tiến sĩ, là địa phương đứng đầu Hà Nội về số người đỗ đạt.
Thường Tín còn biết đến với nhiều làng quê trù phú, trăm nghề, buôn bán tấp nập. Từ rất sớm, người Thường Tín đã khéo léo, sáng tạo ra những sản vật độc đáo từ nông nghiệp, nổi tiếng nhất là bánh giày. Cũng từ nông nghiệp, thủ công nghiệp có cơ sở phát triển, Thường Tín là “đất trăm nghề”, ca dao có câu:
Xâm Động là đất trồng hành
Mễ Hoà chẻ nứa đan mành ta mua
Quýt Đức thêu quạt, thêu cờ
Nhị Khê tiện gỗ đền thờ chạm hoa
Làng Giai tơi lá che mưa
Trát Cầu bông sợi kém thua gì người
Lược thưa Thụy Ứng chàng ơi
Trăm nghề quê thiếp, thiếp mời chàng mua
Bởi thế, trong lịch sử nghề thủ công mỹ nghệ đất nước, Thường Tín là nơi nguồn cội nghề thêu, với vị tổ nghề Lê Công Hành; nghề sơn, với vị tổ nghề Trần Lư. Đồng thời, nhiều phố nghề Hà Nội hiện nay có nguồn gốc từ làng nghề Thường Tín như: Yên Thái, Hàng Trống, Hàng Hòm, Hàng Gai, Tô Tịch…
Nông nghiệp trù phú, làng nghề phát triển tất yếu dẫn đến việc giao thương, buôn bán. Các chợ làng, chợ xã được hình thành, bán mua tấp nập. Chợ Bằng Vồi từ lâu đã có tiếng một vùng Hà Đông: Xứ Nam nhất chợ Bằng Vồi, xứ Bắc Dâu Khán, xứ Đoài Hương Canh.
Bởi có kinh tế đa dạng nên đời sống văn hoá tinh thần của người dân hết sức phong phú. Cũng với hệ thống di tích lịch sử- văn hoá dày đặc (123 di tích được xếp hạng Thành phố và Quốc gia), là các lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh đời sống tín ngưỡng của cư dân một vùng quê trù phú như: Lễ hội Chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội làng Đại Lộ (xã Ninh Sở), lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên)…
Ở giữa đồng bằng sông Hồng, với vị thế là cửa ngõ kinh đô, qua thử thách của lịch sử, Thường Tín vững vàng, xứng danh là miền đất văn vật. Đó là thành quả lao động sáng tạo của các thế hệ người dân, đã luôn đoàn kết, lao động sáng tạo, anh dũng, kiên cường bảo vệ xóm làng, xây dựng quê hương, làm nên truyền thống danh hương mà không phải nơi nào cũng có được.
Ngọc Lâm