Di tích lịch sử

Soạn giả Dương Bá Cung: Tác giả cuốn “Ức Trai di tập”
Ngày đăng 22/04/2022 | 16:39  | View count: 1851

Dương Bá Cung (1795-1868), hiệu là Cấn Đình, quê ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Thuở nhỏ tên là Dĩnh, sau mới đổi là Bá Cung, sinh ngày 12 tháng 9 năm Ất Mão (1975) đời Tây Sơn. Nhà ông cũng là khoa bảng; khoa Quý Mùi (1973) đời Cảnh Hưng, đã có người trúng hương thí. Ông Cung đỗ sinh đồ (tú tài) khoa Kỷ Mão (1981) đời Gia Long, sau đó ra làm quan.

 

Năm 1828, ông làm Hành tẩu Bộ công, đến năm 1830, chuyển làm Tri huyện Gia Bình, đúng lúc có nhiều cuộc nông dân nổi dậy, chống lại triều đình. Được hai năm, ông bị giáng ba cấp vì không “trị” nổi “giặc”.

Năm 1833 ông về làm Huấn đạo Đan Phượng. Vào năm 1840, ông được thăng Giáo thụ phủ Tiên Hưng. Đến năm 1841, ông được thăng Đốc học tỉnh Biên Hòa. Sau đó, do bị bệnh nặng, ông xin về nghỉ dưỡng, rồi mở trường dạy học ở Hưng Yên.

Nguyễn Trãi bị buộc tội “phản nghịch” và bị “tru di tam tộc” ngày 16 tháng 8 năm Đại Bảo, đời Lê Thái Tông, (ngày 19 /9/1442). Theo tập tục phong kiến, tất cả tự tích của ông đều bị tiêu hủy, không ai được tàng trữ. Ngay đến một tác phẩm có giá trị thực tiễn như cuốn Dư địa chí, ông làm dâng vua Lê Thái Tông, được nhà vua khen ngợi, sai khắc ván in để phổ biến, đại tư đồ Lê Liệt cũng ra lệnh chẻ ván, hủy sách đi.

Về sau Trần Khắc Kiệm bỏ ra hơn mười năm mới thu nhập được 100 bài thơ, biên thành ba tập. Tựa sách đề: Mùa xuân tháng hai năm Hồng Đức thứ 11 (1480). Về sau, các sách Trích diễm tập của Hoàng Đức Lương (thế kỷ XV) Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) đều có chép lại.

Bộ sách của Trần Khắc Kiệm cũng thất lạc nốt. Người có công làm lại việc của Trần Khắc Kiệm chính là Dương Bá Cung. Dương Bá Cung không phải thi hành lệnh của vua nào.

Do kính phục Nguyễn Trãi, yêu quý văn thơ Nguyễn Trãi và xót xa trước những tác phẩm của ông bị thất lạc nên Dương Bá Cung đã “đi khắp từ Nam ra Bắc” dò tìm tác phẩm của Nguyễn Trãi mang về, rồi theo loại mà sắp xếp thành 4 quyển lấy nhan đề “Ức Trai di tập” - một kỳ tích về sưu tầm khảo cứu trong lịch sử văn chương Việt Nam.

Ức Trai di tập được in ván gồm 259 tờ, toàn bộ sách có 7 quyển, gồm: Quyển 1: Thi tập, gồm 3 bài tựa của Nguyễn Năng Tĩnh, Ngô Thế Vinh và của ông, tức 105 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi cùng Phú núi Chí Linh và Côn Sơn ca; Quyển 2: Nguyễn Phi Khanh thi văn tập, là những thơ, văn của thân phụ Nguyễn Trãi; Quyển 3: Văn tập, gồm những bài chiếu, biểu do Nguyễn Trãi viết (phần lớn là công văn); Quyển 4: Quân trung từ mệnh tập, là tập từ chương viết theo mệnh lệnh trong quân trướng và những thư tín, khiêu chiến thư do Nguyễn Trãi viết gửi cho vua, quan và tướng lĩnh nhà Minh; Quyển 5: Sự trạng bình luận, gồm những sự trạng và những lời bình luận về Nguyễn Trãi, trích từ các sử truyện, gia phả; Quyển 6: Ức Trai dư địa chí và “Tựa” Toàn Việt thi lục, Nguyễn Trãi soạn với tấm lòng yêu thương đất nước to lớn, sâu xa, là một công trình đặt nền móng cho khoa học địa lý - lịch sử ở nước ta (quyển sách này được Nguyễn Thiên Túng tập chú, Nguyễn Thiên Tích cẩn án và Lý Tử Tấn thông luận); Quyển 7: Quốc âm thi tập, gồm 254 bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi, đây là những bài thơ Nôm có giá trị và cổ nhất còn lại đến ngày nay.

Hầu hết các quyển trong bộ Ức Trai di tập đều là những tài liệu quý giá xét về phương diện văn chương, văn hóa sử. Bộ sách là tổng hợp trí tuệ, công sức của những người tham gia biên tập, trong đó nhất là công sức nhiều năm miệt mài sưu tầm, hiệu đính của Dương Bá Cung, đây cũng là bộ sách có kết cấu hoàn chỉnh nhất, nội dung phong phú nhất. Nhờ có bộ Ức Trai di tập của Dương Bá Cung mà ngày nay chúng ta dễ dàng tiếp cận được di sản mà tài năng, trí tuệ cũng như tâm hồn của Ức Trai Nguyễn Trãi để lại.

Ngoài ra, Dương Bá Cung nhiều năm đi theo đường học chính, có soạn nhiều sách như Hà Nội dư địa chí, Dương tộc thế phả, Dương gia trữ trục, Cấn Đình thi văn tập.

Dương Bá Cung là một người hiếu học, với lòng hâm mộ vị anh hùng quê hương của mình đã góp phần tạo nên một tác phẩm xuất sắc cho nền văn học dân tộc.

Tài liệu tham khảo:

- Thường Tín đất danh hương – Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây năm 2004. 

- Ức trai di tập, 1868