Đảng - đoàn thể
Cách đây 70 năm, quân và dân Thường Tín đã sát cánh cùng quân và dân tỉnh Hà Đông, bộ đội chủ lực làm nên một chiến thắng lẫy lừng, giải phóng quê hương. Ngày 28/8/1954 đã đi vào lịch sử huyện nhà như một mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và mãi mãi là niềm tự hào của bao thế hệ con người Thường Tín hôm nay và mai sau.
Ảnh: Huyện Thường Tín đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2002
Với truyền thống yêu nước và khát vọng giải phóng khỏi gông xiềng nô lệ, những năm 30 của thế kỷ XX, cùng với một số địa phương khác của Hà Nội, Thường Tín đã sớm có phong trào cách mạng. Nhiều thanh niên tiến bộ ở Thường Tín đã tham gia vào các tổ chức và hoạt động trong các phong trào yêu nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; đồng thời, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về quê hương, làm dấy lên tinh thần yêu nước trong Nhân dân. Giai đoạn 1936 -1939 và giai đoạn 1939 - 1945, phong trào và các tổ chức yêu nước đã phát triển rộng khắp ở các xã: Tự Nhiên, Khánh Vân, Thọ Am, Nhị Khê, Vân Tảo, Bất Một Thượng, Hà Hồi, Bình Vọng... Trong những ngày mùa thu tháng Tám năm 1945, với khí thế sục sôi của Nhân dân cả nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hà Đông, ngày 18/8/1945, Nhân dân Thường Tín đã vùng dậy đánh đổ chính quyền địch ở Phủ Thường Tín, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời; tại các địa phương trong huyện, Ủy ban cách mạng lâm thời cũng nhanh chóng được thành lập. Cách mạng tháng Tám ở Thường Tín diễn ra thuận lợi, không đổ máu, chính quyền nhanh chóng về tay Nhân dân. Trong muôn vàn khó khăn thử thách, Nhân dân Thường Tín tập trung xây dựng, củng cố chính quyền mới, đẩy mạnh tăng gia sản xuất chống “giặc đói”, “giặc dốt”, sẵn sàng diệt giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng vừa giành được.
Ảnh: Ngôi nhà tại xã Tự Nhiên - nơi hội họp của Tổ Nông hội đỏ đầu tiên của huyện Thường Tín (1930 - 1931)
Ngày 23/9/1945, tại Phủ lỵ (trụ sở Huyện ủy, UBND huyện hiện nay), Tỉnh ủy Hà Đông quyết định thành lập chi bộ Đảng huyện Thường Tín gồm có 8 đảng viên. Đến đầu năm 1947, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Hà Đông, xây dựng mỗi xã có một tổ chức Đảng làm hạt nhân lãnh đạo phong trào, nhiều chi bộ xã, liên xã trên địa bàn huyện Thường Tín được thành lập, toàn huyện đã có 40 chi bộ với 420 đảng viên. Trước yêu cầu nhiệm vụ, sự phát triển nhanh cả về số lượng đảng viên và tổ chức đảng ở cơ sở, đòi hỏi phải xây dựng Đảng bộ hai cấp (cấp cơ sở và cấp trên cơ sở). Vì thế, ngày 15 - 16/11/1947, tại đình thôn Địa Mãn, xã Tứ Dân (nay là thôn Trần Phú, xã Minh Cường), Đảng bộ huyện Thường Tín tổ chức Đại hội lần thứ nhất công bố chính thức thành lập Đảng bộ huyện Thường Tín.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), Nhân dân Thường Tín sống trong vùng địch uy hiếp, chiếm đóng. Địch thiết lập một hệ thống chính quyền tay sai từ huyện đến tổng, xã; xây dựng hệ thống đồn bốt dày đặc để kìm kẹp, càn quét, khủng bố, cướp bóc Nhân dân. Với ý chí sắt đá “thà hy sinh tất cả nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo Nhân dân vượt qua mọi gian khổ, hy sinh; vừa đảm bảo đời sống, vừa xây dựng lực lượng dân quân du kích, bộ đội địa phương làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, chống địch càn quét, khủng bố; phối hợp với các lực lượng chủ lực đánh 185 trận lớn nhỏ, hạ hơn 30 đồn bốt, diệt 832 tên địch, gọi hàng hàng nghìn ngụy quân, ngụy quyền. Tổ chức Đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo Nhân dân khôn khéo phá tề, nắm tề, khống chế tề ngụy, xây dựng cơ sở kháng chiến, nuôi giấu cán bộ, du kích, xây dựng khu du kích miền Đông, miền Tây huyện, gửi hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho kháng chiến.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nhân dân Thường Tín đã tiễn đưa 2.058 người con lên đường đánh giặc, hàng nghìn thanh niên tham gia dân quân, du kích, bộ đội địa phương. Trong cuộc chiến đấu ngoan cường chống thực dân Pháp xâm lược, đã có 867 cán bộ, đảng viên, quân nhân ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Lịch sử Thường Tín mãi mãi ghi công những tấm gương hy sinh anh dũng của những cán bộ, đảng viên, du kích, quân nhân - những người con ưu tú, tiêu biểu của Đảng bộ, của quê hương.
Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tuyết - thôn Minh Nga, xã Văn Tự tiêu biểu cho tấm gương bất khuất trước kẻ thù, chiến thắng mọi cực hình tra tấn dã man của kẻ địch, bảo vệ cơ sở, bảo vệ kháng chiến. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đàm Viết Tân - xã đội phó xã Tân Minh. Trong lần bị bắt thứ ba, để bảo vệ cán bộ cấp trên, đồng chí đã dũng cảm bật nắp hầm, ném lựu đạn tiêu diệt địch và anh dũng hy sinh. Đồng chí Nguyễn Thắng Tưởng - Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ xã Minh Khai (Minh Cường và Vạn Điểm ngày nay), lăn lộn xây dựng phong trào kháng chiến, phá tề, trừ gian. Bị địch bắt, tra tấn dã man suốt ba ngày đêm đến gãy nát ống chân, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng. Để uy hiếp tinh thần Nhân dân, địch đã hành hình dã man đồng chí trước chùa Địa Mãn, buổi chiều ngày 24/10/1950. Đồng chí Lê Thị Nhuận, Bí thư Phụ nữ xã Nguyễn Trãi, bị sa vào tay giặc, chúng tra tấn dã man, chị nén đau, ấn vào bụng đoạn ruột bị giặc bắn xổ ra. Không chút run sợ, chị lớn tiếng vạch tội bọn phản bội, hô hào Nhân dân một lòng tin tưởng ở Cụ Hồ, ở Chính phủ kháng chiến.
Những tấm gương kiên trung, bất khuất của biết bao thế hệ cán bộ, đảng viên trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mãi mãi là những tấm gương vì lý tưởng cách mạng, vì Đảng, vì Nhân dân, đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên lợi ích riêng. Những mất mát, hy sinh của họ đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên quê hương Thường Tín.
Với những chiến công tiêu biểu, Đảng bộ và Nhân dân Thường Tín đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, chiến thắng thực dân Pháp xâm lược. Ngày 04/01/2002, Đảng bộ và Nhân dân huyện Thường Tín đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp giai đoạn 1945 - 1954.
Nguyễn Thủy