An ninh - quốc phòng

Ngày đầu thực hiện Luật căn cước tại huyện Thường Tín

Sáng ngày 1/7/2024, Công an huyện Thường Tín thực hiện Luật Căn cước 2023, đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Theo quy định của Luật căn cước, các trường thông tin thể hiện trên thẻ căn cước gồm: Ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.

 

Ghi nhận sáng 1/7, nhiều người dân đến Công an huyện làm thủ tục cấp thẻ căn cước

Luật quy định Cơ sở dữ liệu căn cước được chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do Bộ Công an quản lý để quản lý dân cư, quản lý căn cước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thay vì chỉ cấp căn cước cho công dân trên 14 tuổi như luật hiện hành, Luật vừa được thông qua quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Luật cũng cho phép người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước.

Cháu Nguyễn Dương Hòa Bình công dân dưới 14 tuổi đầu tiên thực hiện Luật căn cước

Mã QR trên thẻ căn cước chỉ cho phép khai thác thông tin in trên thẻ để công dân thực hiện một số giao dịch có liên quan. Chip điện tử trên thẻ có công nghệ xác thực sinh trắc học. Chủ thẻ phải đồng ý bằng phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt thì dữ liệu trong chip mới có thể được đọc và truy xuất. Nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.

Từ 1/7, khi người dân làm thẻ căn cước, công an sẽ thu thập mống mắt, vân tay, hình ảnh khuôn mặt để bổ sung vào cơ sở dữ liệu; riêng dữ liệu ADN và giọng nói không bắt buộc.

Cũng theo luật mới, nhà chức trách sẽ thu thập thông tin ADN và giọng nói của người dân khi làm thẻ căn cước, nếu họ tự nguyện cung cấp. Trường hợp cơ quan tố tụng hình sự hoặc cơ quan quản lý người bị xử lý hành chính khi giải quyết vụ việc có giám định hoặc thu thập ADN, giọng nói của người dân, thì chia sẻ với cơ quan quản lý căn cước để bổ sung vào cơ sở dữ liệu.

Thượng tá Đào Phương Đông, Phó Trưởng Công an huyện Thường Tín cho biết: "Để triển khai hiệu quả Luật Căn cước trên địa bàn, Công an huyện Thường Tín đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử. Đồng thời, chỉ đạo Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an các xã, thị trấn rà soát, làm sạch dữ liệu dân cư, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống". Công an tổ chức rà soát đối tượng đủ điều kiện cấp căn cước, chuẩn bị phương tiện và trang thiết bị sẵn sàng để tổ chức thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân theo quy định của Luật Căn cước vào ngày 1/7.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật căn cước, Công an huyện Thường Tín đã xây dựng kế hoạch số 194/KH-CATT-QLHC ngày 1/7/2024, triển khai thu nhận hồ sơ cấp căn cước cho công dân và hồ sơ cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch đang sinh sống trên địa bàn huyện Thường Tín.

Một số hình ảnh ngày đầu triển khai thực hiện luật căn cước:

Tô Quý