Văn hóa - xã hội

Thường Tín phát huy giá trị văn hóa, tạo cơ hội cho du lịch phát triển
Ngày đăng 23/11/2024 | 10:00  | View count: 149

Nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc lấy ngày 23/11 hằng năm là “Ngày Di sản văn hóa Việt Nam”. Từ đó đến nay, Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) đã thực sự trở thành ngày hội lớn, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hóa dân tộc trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh phát biểu tại buổi tọa đàm khoa học về công trình văn hóa lịch sử trên địa bàn

Huyện Thường Tín nằm ở phía Nam Thành phố Hà Nội, là vùng đất khoa bảng, đất trăm nghề, nơi tiếp nhận, giữ gìn, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những năm gần đây, huyện đang đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa với những thay đổi tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thường Tín còn sở hữu hàng loạt di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng (61 di tích cấp quốc gia, 65 di tích cấp thành phố). Nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Chùa Đậu; đền, bến Chương Dương; nhà thờ Nguyễn Trãi đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa dạng sắc màu.

Các đồng chí lãnh đạo huyện và du khách tham quan Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc – Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi

Trải qua chiều dài chặng đường lịch sử gìn giữa và phát triển, Thường Tín đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, đặc biệt trong đó, Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn xác định văn hóa là nền tảng, là động lực và mục tiêu của phát triển, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Thường Tín đã ban hành Chương trình số 02-CTr/HU, ngày 22/8/2020 về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, giàu đẹp, hiện đại, xây dựng NTM nâng cao gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử huyện Thường Tín giai đoạn 2020 - 2025”.

Thường Tín tổ chức Liên hoa n văn nghệ Biểu diễn nghệ thuật truyền thống phi vật thể

Từ chủ trương mang tính chiến lược giúp huyện bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là nguồn lực để huyện phát triển công nghiệp văn hóa đúng như Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Qua đó, ngày 14/11/2022, huyện Thường Tín đã khởi công xây dựng dự án Khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê với diện tích 2,7ha tổng mức đầu tư 144 tỉ đồng. Bên cạnh đó, là chủ trương xã hội hóa “Đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc” hoàn thành năm 2021.

Ngoài ra, còn có 74 di tích được đầu tư chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết với 78 tỷ đồng từ nguồn ngân sách; kinh phí xã hội hóa từ Nhân dân giai đoạn 2018 - 2022 để tu bổ, tôn tạo di tích hơn 50 tỷ đồng. Nhiều di tích được tu bổ bằng 100% nguồn xã hội hóa.

Phó Chủ tịch UBND huyện ông Bùi Công Thản chia sẻ, để bảo tồn giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, Thường Tín tổ chức Tọa đàm khoa học chủ đề “Công chúa Khúc Thị Ngọc và chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ, xã Nguyễn Trãi”. Hoạt động này nhằm tìm ra hướng trùng tu, tôn tạo cụm di tích đền - chùa Vĩnh Mộ xứng với công lao to lớn của công chúa Khúc Thị Ngọc.

Theo thống kê, Thường Tín hiện có 126 làng nghề, trong đó 50 làng được công nhận làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội. Nhờ có thương hiệu giúp các sản phẩm làng nghề không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Huyện đã kết hợp giữa phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch văn hóa tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế văn hóa, lịch sử, làng nghề, Thường Tín tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Đồng thời, chú trọng, đầu tư đồng bộ, bảo tồn, phát triển bản sắc “Đất danh hương, khoa bảng, trăm nghề”.

Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam là dịp để huyện Thường Tín tục nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện, trong đó việc cần thiết là khơi dậy tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống văn hóa dân tộc trong mỗi người dân. Thực hiện tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống, nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị, sức sống của từng loại di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.

Hoài Thu