Văn hóa - xã hội
Sáng 12/10, chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Huyện Thường Tín tổ chức lễ gắn biển Công trình Nhà truyền thống Thư viện huyện. Đến dự có đồng chí Nguyễn Tiến Minh - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Minh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ huyện và các Phòng, ban, ngành huyện.
Nhà truyền thống Thư viện huyện Thường Tín nằm trong khu Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao huyện được đầu tư xây dựng từ tháng 8/2023 có tổng mức đầu tư xây dựng hơn 40 tỷ đồng.
Các đồng chí lãnh đạo huyện trao Quyết định và thực hiện nghi thức gắn biển công trình
Với những nỗ lực và sự quyết liệt đôn đốc của chủ đầu tư, đến đầu tháng 7/2024, nhà thầu đã hoàn thành các hạng mục công trình Nhà truyền thống Thư viện huyện cao 3 tầng, rộng 1.361m2 với tổng diện tích sàn khoảng 3.785m2 bao gồm các phòng chức năng, khu trưng bày, hội trường…và các hạng mục sân, cổng, hệ thống PCCC, tường rào.
Sau khi UBND huyện cùng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và nhà thầu hoàn thiện thủ tục pháp lý, bàn giao công trình cho Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện quản lý theo quy định, đồng thời Huyện đã tiến hành kêu gọi xã hội hóa hiện vật tranh ảnh, sản phẩm làng nghề truyền thống, sách báo trưng bày tại phòng chức năng.
Qua đó, đến nay một số phòng trưng bày đã kêu gọi xã hội hóa từ doanh nghiệp, người dân cũng như các cơ sở sản xuất với khoảng 350 bức tranh ảnh, hàng nghìn đầu sách báo, hoành phi câu đối, cùng nhiều hiện vật sản phẩm của làng nghề truyền thống có giá trị lịch sử đang từng bước tạo ra không gian sống động của Nhà truyền thống thư viện.
Đồng chí Nguyễn Tiến Minh - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy phát biểu tại lễ gắn biển
Phát biểu tại lễ gắn biển công trình, Đồng chí Nguyễn Tiến Minh - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đã xã hội hóa đóng góp vật chất, công sức nên chỉ trong thời gian ngắn đã huy động được nhiều hiện vật có giá trị mang ý nghĩa văn hóa và lịch sử tượng trưng cho sự phát triển của địa phương.
Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Huyện ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị, cán bộ, doanh nghiệp cũng như người dân và các cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống trên địa bàn tiếp tục huy động xã hội hóa các sản phẩm làng nghề, xã hội hóa tài chính tạo nguồn lực để mua sắm đồ dùng trang bị cho các phòng trưng bày.
Nhà truyền thống, thư viện sẽ trở thành địa chỉ để người dân và du khách đến tìm hiểu về văn hóa, truyền thống, làng nghề, cũng như nâng cao kiến thức, đời sống.
Bởi việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm hiện vật, sách báo và các sản phẩm làng nghề có giá trị văn hóa, kinh tế, lịch sử để bài trí, lưu giữ tại các phòng trưng bày, thư viện của nhà truyền thống vừa để bảo quản giá trị lịch sử và cũng là để giới thiệu cho du khách thập phương biết đến sản phẩm làng nghề nổi tiếng mỗi khi đến Thường Tín.
Đặc biệt, các hiện vật lưu giữ trong Nhà truyền thống thư viện còn trang bị kiến thức cho các học sinh và người dân nhớ về lịch sử, văn hóa địa phương. Không những vậy, việc tiếp tục xã hội hóa còn là để sớm hoàn thành mua sắm hiện vật, triển khai kế hoạch đưa Nhà truyền thống Thư viện huyện vào hoạt động hiệu quả, bảo đảm phục vụ Nhân dân.
Nhà văn Diệu Ân trao tặng sách cho huyện
Các đại biểu thăm quan, tìm hiểu Nhà truyền thống, thư viện huyện
Cũng trong sáng ngày 12/10, Nhà văn Diệu Ân là con gái của nhà báo tiền bối, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Bá Khoản (1917-2013) ở xã Nghiêm Xuyên huyện Thường Tín đã trao tặng một số Cuốn sách quý cho Thư viện huyện Thường Tín.
Tô Quý, Diệu Hương