Tin tức khác

Nét đẹp văn hóa trong lễ mừng thọ đầu Xuân

Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, để tỏ lòng tôn kính đối với người cao tuổi (NCT), thực hiện tốt truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính lão trọng thọ” các địa phương trên địa bàn huyện đã tổ chức lễ chúc thọ, mừng thọ NCT. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm tính nhân văn sâu sắc mà ông cha ta đã xây dựng, gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Tuỳ từng địa phương, Lễ chúc thọ, mừng thọ thường được bắt đầu từ ngày mùng 2 Tết Nguyên đán tại nhà văn hóa hoặc đình làng theo những nghi thức, phong tục truyền thống của mỗi địa phương. Năm nay, dịch bệnh Covid 19 đã được kiểm soát, nên lễ mừng thọ được các địa phương cũng như gia đình tổ chức vui tươi, rộn ràng hơn. Tại lễ mừng thọ, các địa phương trong huyện đều tổ chức tặng quà, trao giấy mừng thọ và biểu diễn văn hóa, văn nghệ, đọc thơ của người cao tuổi... Lễ chúc thọ, mừng thọ đã trở thành hoạt động văn hóa có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ kính lão, trọng thọ.

Văn nghệ tại lễ mừng thọ

Trao giấy mừng thọ cho các Cụ

Sau lễ mừng thọ chung, con, cháu về tổ chức mừng thọ tại gia đình cho bố mẹ, ông bà. Trong buổi lễ, ông bà sẽ mặc trang phục trang trọng, thường là y phục khăn đóng, đi hài, áo quần màu đỏ hoặc màu vàng tùy mức tuổi thọ.

Ông bà được bố trí ngồi nơi trang trọng, con cháu lần lượt đến kính cẩn dâng rượu, kính lễ cha mẹ, ông bà rồi đến tiệc mừng thọ. Con, cháu luôn dành cho bố mẹ, ông bà những lời chúc tốt đẹp, thể hiện niềm tôn kính, hiếu thảo trước công lao sinh thành và dưỡng dục, chăm lo và dạy bảo theo suốt cuộc đời. Và cầu chúc bố mẹ, ông bà sống lâu, sống khỏe để làm chỗ dựa cho con cháu, gia đình. Những lời này có lúc được thêu trên bức trướng, bức tranh hay những vần thơ giàu ý nghĩa.

Trong lễ này, ngoài con cháu trong gia đình, còn có họ hàng nội ngoại gần xa và khách đến chúc mừng, chứng kiến niềm hạnh phúc của các cụ và con cháu. Truyền thống tốt đẹp này của dân tộc càng làm cho những ngày Xuân thêm phần ấm cúng, vui vẻ và cái Tết thêm phần ý nghĩa hơn. Quy mô lễ mừng thọ tùy theo điều kiện mỗi gia đình và phong tục của địa phương. Thông thường, gia đình có người tròn 70, 80, 90… tuổi lễ mừng thọ thường được tổ chức quy mô lớn. Đặc biệt, cụ nào càng thượng thọ, con cháu đuề huề và thành đạt, lễ mừng càng long trọng. Dẫu quy mô, hình thức có khác nhau ít nhiều nhưng đều thể hiện được niềm vui của cháu khi trong gia đình có người sống thọ.

Con cháu quây quần chúc mừng

Cụ Nguyễn Thị Chấu (xã Tự Nhiên) năm nay Thượng thọ 90 tuổi. Ngày mùng 6 tết, con cháu phấn khởi tổ chức chúc thọ cụ thật long trọng, đầm ấm. Cả gia đình sum họp đông đủ, mặc trang phục đẹp cùng ăn bữa cơm vui vẻ. Trong ngày mừng thọ, cụ mặc bộ quần áo lụa đỏ ngồi giữa con cháu, dáng khỏe mạnh, tươi vui hơn thường ngày. Nghe con cháu, xóm giềng chúc khỏe mạnh sống lâu để phúc đức cho con cháu, cụ móm mém cười: “Năm nay tôi được con cháu tổ chức mừng thọ 90 tuổi. Điều vui mừng nhất là con cháu ở xa đều về sum vầy đông đủ và nhận được sự quan tâm của địa phương, bà con trong làng. Đây chính là món quà tinh thần thực sự có ý nghĩa”.

Ông Phạm Thế Kỷ - Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện cho biết: “Cứ mỗi năm vào dịp Tết đến Xuân về, các cơ sở hội lại tổ chức mừng thọ cho các cụ, 100% người cao tuổi được tham gia lễ mừng thọ. Lễ mừng thọ đầu Xuân thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ về sự hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ. Đồng thời động viên các cụ tiếp tục phấn đấu sống vui, sống khỏe, là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo”.

Mừng thọ đầu xuân có ý nghĩa thiết thực đối với người cao tuổi, là nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện sự tôn trọng của xã hội với người cao tuổi cũng như tấm lòng hiếu thảo của con, cháu với ông bà, cha mẹ. Việc làm này thể hiện sự trân quý của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hội viên người cao tuổi qua đó động viên các cụ cao niên tiếp tục “sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và trường thọ” bên con cháu. Qua đó, phát huy truyền thống “kính lão đắc thọ” không chỉ giúp các cụ cao niên sống vui, sống khỏe, sống có ích mà con khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi đối với gia đình và xã hội.

Thanh Tân