danh lam - thắng cảnh

Thư viện Bình Vọng - Nơi hội tụ văn hóa đọc làng quê
Ngày đăng 20/06/2017 | 12:53  | View count: 3553

Được hình thành từ năm 1999, hoạt động liên tục hiệu quả gần 20 năm, thư viện Thôn Bình Vọng, xã Văn Bình huyện Thường Tín đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình, là nơi hội tụ văn hóa đọc làng quê, góp phần đáng kể vào việc phát triển văn hóa đọc của huyện.

Có dịp đến thăm thư viện vào một buổi chiều nắng oi ả, trong căn phòng chỉ chừng 40m2, ấn tượng để lại trong tôi là hình ảnh các cụ trong thôn đang say sưa đọc sách. Dường như cái nắng, cái nóng không làm giảm đi thú vui đọc sách của các cụ. Được đặt ở tầng một nhà văn hóa thôn, với không gian bé nhỏ nhưng thư viện Bình Vọng được bài trí rất hợp lí và ngăn nắp. Các giá, tủ đựng sách được sắp xếp rất khoa học, dễ nhìn, được ghi chú cẩn thận về từng lĩnh vực, giúp bạn đọc tiện tra cứu. Đặc biệt, thư viện còn có ngăn để giới thiệu sách của người Bình Vọng viết về Bình Vọng - thể hiện lòng yêu quê hương của người dân nơi đây. Dù ở quy mô cấp làng, nhưng hiện nay, thư viện Bình Vọng có hơn 10.000 cuốn sách với 5 tờ báo hàng ngày phục vụ bạn đọc gồm nhiều chủng loại đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển văn hóa đọc và nâng cao đời sống của nhân dân trong thôn.

Để xây dựng được thư viện như ngày hôm nay, những khó khăn cũng không phải ít nhưng với những con người bền bỉ, cần mẫn, miệt mài đi gom từng cuốn sách thì đâu có khó khăn nào không thể vượt qua. Ông Lương Văn Tăng chủ nhiệm thư viện chia sẻ: “Thời gian đầu thành lập, nguồn sách và nguồn nhân lực để xây dựng thư viện rất khan hiếm nên chúng tôi đi kêu gọi mọi người góp sách, ban đầu là các cán bộ công nhân viên chức, những người sống tại địa phương hay người địa phương sống tại thành phố và đi làm ăn xa để tủ sách thêm phần phong phú”

Ảnh: Bác Tăng hướng dẫn chị quản lí thư viện bài trí sách cho hợp lí

Từ năm 2008 đến 2011, được sự giúp đỡ của Thư viện Quốc gia Việt Nam và Hội Hỗ trợ Thư viện và Giáo dục Việt Nam - LEAF, Thư viện Bình Vọng đã nhận hàng nghìn cuốn sách, với tổng giá trị 200 triệu đồng; sau đó là Quỹ Ford 60 triệu đồng tiền mua sách; Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng) tặng 100 cuốn sách… Tháng 7-2016 vừa qua, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng về thăm, tặng thư viện 400 cuốn sách mới, khích lệ thêm tinh thần ham đọc sách của nhân dân.

Đến nay, qua 19 năm hoạt động, thư viện đã đón gần 115.000 bạn đọc, bình quân mỗi tháng có gần 1.000 người đến đọc, mượn sách. Trong đó, có 50% là các độc giả cao niên, 40% là thanh, thiếu niên. Thư viện được mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Từ lâu, việc đến thư viện đọc sách đã trở thành thú vui của bà con nhân dân trong thôn. Chia sẻ với chúng tôi em Trần Hồng Sơn – đoàn viên thanh niên trong thôn chia sẻ “ Vào những buổi chiều không phải đi hoc, em thường cùng bạn bè đến thư viện để tìm và đọc sách, từ những cuốn tham khảo, lịch sử cho đến những cuốn truyện, tiểu thuyết. Đến thư viện, chúng em cùng nhau trao đổi những bài tập trên lớp cũng có khi bàn luận về một cuốn sách nào đó..”

Ban đầu khi mới thành lập, thư viện thôn Bình Vọng chỉ có 10 cộng tác viên trong đó có 1 số vị giáo viên cán bộ nghỉ hưu tham gia vào quản lý và xây dựng thư viện. Đến nay, con số cộng tác viên đã lên đến 120 người gồm các thành viên của Hội Người cao tuổi, Hội Khuyến học, Hội Phụ nữ… Trong số đó có 15 thành viên nòng cốt được phân công thành 7 đội trực thư viện liên tục trong tuần. Là một thư viện nhỏ cấp cơ sở, nhưng thư viện của thôn Bình Vọng lại hoạt động khá chuyên nghiệp. “Từ ngày có thư viện, xóm làng yêu đọc sách hơn, người dân được nâng cao kiến thức, trẻ em ham học hơn, tỷ lệ thi đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng ngày càng cao” đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Hải – Bí thư chi bộ Thôn Bình Vọng.

Đi qua những khó khăn, vươn lên hoạt động có hiệu quả, thư viện Bình Vọng đã được Bộ văn hóa Thông Tin tặng bằng khen; Sở văn hóa Thông tin, thư viện quốc gia, ủy ban nhân dân huyện và xã tặng giấy khen.

Có thể khẳng định, thông qua hoạt động của thư viện đã góp phần khơi nguồn, phát huy văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập ở quê hương Bình Vọng nói riêng và ở huyện Thường Tín nói chung; động viên nhân dân phát huy truyền thống hiếu học, thi đua rèn luyện, học tập, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước./.

Thanh Tân