KINH TẾ ĐÔ THỊ
Tối ngày 11/10, Sở công thương Hà Nội và UBND huyện Thường Tín phối hợp tổ chức khai mạc Festival làng nghề và thiết kế sáng tạo, kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện Thường Tín (28/8/1954-28/8/2024) và 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và Triển lãm các sản phẩm văn hóa, OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Thường Tín năm 2024.
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Festival
Đến dự có ông Nguyễn Đình Thắng - Phó giám đốc sở Công Thương Hà Nội, đồng chí Lê Văn Bính - Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, về phía huyện Thường Tín có các đồng chí Nguyễn Tiến Minh - Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy, đồng chí Tạ Hữu Thọ - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Nguyễn Xuân Minh - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy, Hội doanh nghiệp huyện Thường Tín và các nghệ nhân tiêu biểu các làng nghề truyền thống.
Các đại biểu dự lễ khai mạc
Festival làng nghề và thiết kế sáng tạo diễn ra từ ngày 11/10 đến 14/10/2024 tại huyện Thường Tín, nhằm trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, OCOP của huyện, Thành phố và một số Tỉnh - Thành phố để mở rộng mối liên kết, vùng tiêu thụ sản phẩm, quảng bá các sản phẩm làng nghề tiêu biểu đặc trưng của huyện; đồng thời quảng bá phát triển du lịch trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử, điểm du lịch văn hóa, làng nghề của huyện.
Phó giám đốc sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Phó giám đốc sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, thành phố Hà Nội hiện trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 243 nghệ nhân, hàng nghìn thợ giỏi ngành thủ công mỹ nghệ, hàng trăm chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước đang làm việc tại các Hội, Hiệp hội chuyên ngành thủ công Mỹ nghệ.
Các nghề thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã và đang phát huy những giá trị truyền thống to lớn, tạo dựng bản sắc văn hóa riêng của Thăng Long – Hà Nội. Các sản phầm hàng hóa thủ công mỹ nghệ đã góp phần thúc đầy gia tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, giải quyết và tạo nhiều việc làm cho lao động ngoại thành, góp phần phát triển bến vững kinh tế - xã hội của Thủ đô. Đồng thời là dịp để quảng bá hình ảnh Thường Tín đến với Nhân dân Thủ đô và cả nước, cùng với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất tại các làng nghề đồng hành từng bước giới thiệu, tìm kiếm các đối tác, ký kết hợp đồng tăng cường sản xuất.
Đồng chí Bùi Công Thản - Phó Chủ tịch UBND huyện phát biểu
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết, Thường Tín được biết đến là đất danh hương, khoa bảng, trăm nghề; hiện có 50 làng nghề được UBND Thành phố công nhận và 81 làng có nghề, tiểu biểu trong số đó phải kể đến làng nghề cấp Thành phố sơn mài Hạ Thái; nghề thêu truyền thống ở Đông Cứu xã Dũng Tiến được Bộ văn hóa, thể thao và du lịch chứng nhận được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016 và rất nhiều làng nghề lâu năm được lưu truyền qua nhiều thế hệ như thêu Quất Động, điêu khắc Nhân Hiền, cước lưới Trần Phú, lược sừng Thụy Ứng…
Nghề truyền thống và làng nghề là một nét đặc trưng, riêng có của huyện Thường Tín, không những đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, mà còn có rất nhiều sản phẩm, tác phẩm tiêu biểu được sản xuất ra mang giá trị về mặt kinh tế, mỹ thuật, kỹ thuật, tham gia các Hội chợ, Triển lãm trong và ngoài nước, đã đạt những giải cao.
Nhiều sản phẩm đặc sắc được trưng bày tại Festival
Hiện nay, trên địa bàn có 03 Nghệ nhân Nhân dân, 05 nghệ nhân ưu tú, 32 nghệ nhân Hà Nội đây đều là những cá nhân tiêu biểu trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa trong sản xuất các sản phẩm truyền thống của cha, ông để lại; Huyện cũng có 09 Hội làng nghề đang hoạt động hiệu quả, là nơi sinh hoạt của hàng nghìn người thợ làm nghề, thường xuyên tham gia đóng góp, góp ý cho Lãnh đạo địa phương về định hướng để phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn; Huyện đã xây dựng và kêu gọi đầu tư được 5 cụm công nghiệp làng nghề phục vụ cho công tác di dời các cơ sở sản xuất làng nghề ra khỏi khu dân cư, tạo mặt bằng, mở rộng sản xuất như cụm công nghiệp Duyên Thái, Ninh Sở, Tiền Phong, Vạn Điểm, Văn Tự đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 100% chuyên cung cấp và sản xuất các sản phẩm sơn mài, mây tre đan, chăn ga gối đệm, đồ gỗ… các cụm công nghiệp này tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế và ổn định chính trị xã hội tại địa phương.
Các đại biểu tham quan các gian trưng bày sản phẩm
Festival có quy mô 100 gian hàng và các khu trưng bày, trong đó: Huyện Thường Tín tham gia 40 gian hàng trưng bày các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Trong khuôn khổ Festival sẽ diễn ra các hoạt động trình diễn tay nghề của các nghệ nhân làng nghề truyền thống; trải nghiệm cho khách tham quan. Tổ chức thăm quan du lịch và các điểm du lịch tâm linh, kết hợp làng nghề tại các xã Văn Bình, Nhị Khê, Hồng Vân, Vạn Điểm, Hoà Bình và Duyên Thái. Cùng với đó diễn ra 2 đêm biểu diễn nghệ thuật đặc sắc. Tổ chức tôn vinh, khen thưởng cho các cá nhân, tập thể, nghệ nhân tiêu biểu có đóng góp trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống.
Sở Công thương Hà Nội đã trao giấy chứng nhận 3 sao
Tại lễ khai mạc, Sở Công thương Hà Nội đã trao giấy chứng nhận 3 sao đối với trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái xã Duyên Thái
Ban tổ chức chụp ảnh cùng các doanh nhân tham gia đấu giá các tác phẩm thủ công mỹ nghệ
Ban tổ chức đã tổ chức Chương trình đấu giá 05 tác phẩm thủ công mỹ nghệ sắc sắc của các nghệ nhân tiêu biểu của huyện Thường Tín, với số tiền trên 700 triệu đồng ủng hộ quỹ khuyến học và giúp đỡ cho những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Tô Quý