HOẠT ĐỘNG TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ

Khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố khóa XVI
09/12/2024 | 15:30

Sáng 9/12, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 20 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 để thực hiện các nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Tham dự kỳ họp có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Bùi Thị Minh Hoài; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương; lãnh đạo đại diện các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH Thành phố…

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố là kỳ họp thường lệ cuối năm để xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách, đầu tư công năm 2024, nhiệm vụ, giải pháp năm 2025; xem xét, ban hành một số quy định, cơ chế, chính sách để kịp thời cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh Thủ đô và đất nước đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, với nhiều nhiệm vụ rất quan trọng theo quan điểm, chủ trương của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".

Khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố khóa XVI- Ảnh 2.

Quang cảnh kỳ họp

Quán triệt và lan tỏa sự đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; thiết thực, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội; trên cơ sở triển khai hiệu quả Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội"; Thường trực HĐND Thành phố đã chủ động, phối hợp UBND Thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố chuẩn bị từ sớm, từ xa các nội dung kỳ họp.

Căn cứ các quy định của Luật, Kế hoạch số 11 ngày 11/9/2024 về triển khai thi hành Luật Thủ đô và cập nhật những vấn đề thực tiễn Thành phố, kỳ họp này dự kiến tổ chức trong 3,5 ngày để xem xét, thông qua 55 nội dung, gồm 25 báo cáo và 30 nghị quyết. Đây là kỳ họp thường lệ cuối năm nên có khối lượng công việc lớn, rất nhiều nội dung quan trọng, vì vậy, Thường trực HĐND Thành phố tiếp tục đổi mới chương trình kỳ họp theo hướng giảm thời gian trình bày báo cáo, bố trí nhiều thời gian thảo luận tại các tổ và Hội trường; dành 01 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Đây là những hoạt động quan trọng của nghị trường nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của các vị đại biểu để trao đổi, thảo luận các nội dung quan trọng theo chương trình kỳ họp, gồm:

Một là, HĐND Thành phố sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách, đầu tư công năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.

Khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố khóa XVI- Ảnh 3.

Phó Chủ tịch HĐND Thành phố Phạm Quí Tiên thông qua chương trình kỳ họp

Năm 2024, là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17 và Nghị quyết của HĐND Thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, Thành phố cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; Thành uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là tiến độ các công trình trọng điểm, các vấn đề dân sinh, bức xúc và đã đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Thành phố dự kiến cơ bản hoàn thành 23/24 chỉ tiêu kinh tế xã hội; tăng trưởng GRDP dự kiến tăng 6,52%; thu ngân sách ước đạt 492.309 tỷ đồng, đạt 120,5% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Các ngành, lĩnh vực kinh tế tăng trưởng ổn định. Du lịch và lượng khách quốc tế tăng trưởng cao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt khoảng 2 tỷ USD. Công tác quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị được đẩy nhanh tiến độ. Nông thôn mới tiếp tục đạt nhiều kết quả, hoàn thành kế hoạch đề ra. Cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tiếp tục được xác định là khâu đột phá và tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và các sự kiện quan trọng của đất nước. Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, năm 2024 cũng là năm Thành phố tập trung hoàn thành nhiều nhiệm vụ có tính chất quan trọng, chiến lược để hoàn thiện thể chế, chính sách tạo lập không gian phát triển mới với tầm nhìn dài hạn cho phát triển Thủ đô. Đó là: Luật Thủ đô 2024 đã được Quốc hội thông qua ngày 28/6; trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; tập trung, khẩn trương triển khai Nghị quyết số 1286 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Tập trung ứng phó và khắc phục thiệt hại của Cơn bão số 3 và tình hình mưa lũ sau bão; Đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; xây dựng Đề án đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị; các dự án trọng điểm lĩnh vực giao thông, môi trường, công viên, vườn hoa; Nghị quyết của HĐND Thành phố về đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế và tu bổ các di tích. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24 của Ban Thường vụ Thành uỷ về "tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị"; tập trung công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 18 và nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố khóa XVI- Ảnh 4.

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc kỳ họp

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, qua giám sát của HĐND, Thường trực HĐND Thành phố, ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành uỷ ngày 27/11/2024 vừa qua cho thấy Thành phố còn một số khó khăn, thách thức và tồn tại, hạn chế, cần được tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Hai là, về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 với 7 chương, 54 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Để triển khai, thi hành Luật, Thường trực HĐND Thành phố đã thống nhất với UBND Thành phố và ban hành Kế hoạch số 11 ngày 11/9/2024, theo đó đã rà soát 89 nội dung thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND Thành phố để cụ thể hoá các quy định của Luật.

Tại kỳ họp chuyên đề - Kỳ họp thứ 19 HĐND Thành phố tháng 11/2024 đã xem xét ban hành 11 nội dung quy phạm pháp luật về các lĩnh vực tổ chức bộ máy; phân cấp, ủy quyền; cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công.

Tại kỳ họp này, HĐND Thành phố tiếp tục xem xét 06 nội dung quy định về thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức; các quy định về hoạt động của Khu công nghệ cao Hoà Lạc; quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực an toàn thực phẩm; quy định điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn Thành phố để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường …

"Đây là nhóm chính sách mới, quan trọng, được cử tri và Nhân dân rất quan tâm. Trong quá trình chuẩn bị, Thường trực HĐND Thành phố đã chỉ đạo các Ban của HĐND Thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để chuẩn bị nội dung và triển khai các bước thẩm tra đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định. Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tổ chức phản biện xã hội đối với một số nội dung quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội, làm cơ sở để HĐND Thành phố thảo luận và quyết định, bảo đảm hiệu lực thi hành cùng với Luật Thủ đô từ ngày 1/1/2025" - đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Khai mạc kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố khóa XVI- Ảnh 5.

Quang cảnh kỳ họp

Ba là, HĐND Thành phố xem xét, thông qua các báo cáo, nghị quyết chuyên đề, các cơ chế, chính sách để kịp thời đảm bảo công tác điều hành, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội của Thành phố, trong đó nhiều nội dung quan trọng như: Danh mục thu hồi đất, tổng biên chế hành chính sự nghiệp; thành lập thôn, tổ dân phố; giá dịch vụ khám chữa bệnh, phí thăm quan; thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài sản công; các nội dung, mức chi trong các lĩnh vực công nghiệp, đối ngoại, tư pháp, giáo dục, đào tạo; hoạt động của trung tâm phục vụ hành chính công; mức hỗ trợ cho lực lượng thuộc Công an Thành phố.

Bốn là, về hoạt động giám sát. Tại kỳ họp, HĐND Thành phố sẽ xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, Cục Thi hành án dân sự Thành phố theo quy định của Luật.

HĐND Thành phố xem xét báo cáo, thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về: việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; kết quả giải quyết kiến nghị cử tri năm 2024; Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND Thành phố năm 2025 về công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cùng với đó, HĐND Thành phố sẽ thực hiện quyền giám sát trực tiếp đối với UBND Thành phố thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn. Thường trực HĐND Thành phố dự kiến 02 nhóm vấn đề: Thứ nhất, tái chất vấn về việc thực hiện một số nội dung nghị quyết, kết luận chất vấn của HĐND Thành phố đã đến thời hạn giải quyết nhưng thực hiện còn chậm, chưa hiệu quả; Thứ hai, chất vấn kết quả thực hiện một số chỉ tiêu quan trọng, nhiệm vụ trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của Thành phố.

Đây là những nội dung quan trọng và thiết thực, đang được Thành phố tập trung chỉ đạo, được phản ánh qua các ý kiến, kiến nghị của cử tri, qua giám sát và đề xuất của các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND Thành phố. Đây cũng là hoạt động giám sát nhằm tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả giám sát theo tinh thần chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy và đồng chí Bí thư Thành ủy.

"Với phương châm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, Tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu HĐND Thành phố trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, đại biểu HĐND theo quy định của Luật, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng, góp phần vào sự thành công của kỳ họp" - Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị.

Theo Hanoi.gov.vn