HOẠT ĐỘNG TRONG NƯỚC, THÀNH PHỐ
Chiều 8/10, tại UBND quận Nam Từ Liêm, UBND thành phố Hà Nội tổ chức phát động, hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia 10/10 và Tổ chức ra quân hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức và doanh nghiệp cài đặt, sử dụng các nền tảng số năm 2024. Lễ phát động được kết nối đến các điểm cầu UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số thành phố Hà Nội và Đề án 06 dự và phát biểu tại Lễ phát động.
Điểm cầu huyện Thường Tín
Dự tại điểm cầu huyện có đồng chí Bùi Công Thản, HUV, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban Chỉ đạo CCHC, Chuyển đổi số huyện; Cùng dự có Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị huyện.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ phát động Lễ ra quân chiến dịch
Trong gần hai năm qua, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số, triển khai đề án 06 của Chính phủ. Chính quyền số đã được triển khai mạnh mẽ với 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và 4, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng, minh bạch thông qua nền tảng hệ thống dịch vụ công trực tuyến (đã xử lý thành công hơn 2,5 triệu hồ sơ trực tuyến).
Đề án 06 của Chính phủ cũng đã được triển khai sâu rộng tại Hà Nội với nhiều kết quả nổi bật. Thực hiện thành công thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở để Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc; các dịch vụ thanh toán an sinh xã hội, chi trả lương hưu không dùng tiền mặt cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ bản đến nay đều đạt trên 90%.
Những mô hình như thí điểm trông giữ xe không dùng tiền mặt và thanh toán dịch vụ công qua mã QR động đã được thực hiện quyết liệt, mang lại hiệu quả và nhiều tiện ích cho người dân.
Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và triển khai ứng dụng "Công dân Thủ đô số iHaNoi". Với hơn 1 triệu lượt cài đặt và sử dụng, iHaNoi không chỉ giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến một cách dễ dàng mà còn tạo điều kiện để người dân tham gia, phản hồi ý kiến, và nhận được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền. Việc triển khai ứng dụng iHaNoi không chỉ giúp giảm thiểu TTHC mà còn nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý và phục vụ người dân.
Về kinh tế số, có gần 5.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Thương mại điện tử đã phát triển mạnh với doanh thu tăng 40% so với năm 2023. Hơn 90% các doanh nghiệp lớn tại Hà Nội đã chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và kinh doanh. Kê khai và nộp thuế điện tử tại Hà Nội đạt 99%.
Về xã hội số, gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 30.000 thành viên đã hoạt động tích cực, đưa chuyển đổi số vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà, giúp người dân nắm bắt và trải nghiệm các dịch vụ số. Hơn 60% dân số trong độ tuổi lao động đã được đào tạo kỹ năng số cơ bản, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng một thế hệ công dân số thông minh.
Với sự hưởng ứng của người dân, sự chung tay góp sức của các Tổ chuyển đổi số cộng đồng, sự đồng hành của các ngành, các đơn vị dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố trong công cuộc chuyển đổi số và đặc biệt trong chiến dịch lần này sẽ góp phần “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phát động Chiến dịch ra quân hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia - Ngày Chuyển đổi số thành phố Hà Nội năm 2024
Tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải khẳng định: "Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành nhu cầu tất yếu và yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Thủ đô Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh chiến dịch "Đi từng ngõ, gõ từng nhà" không chỉ giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công số mà còn góp phần phát triển kinh tế và xã hội số của Thủ đô. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng kêu gọi các tổ chuyển đổi số cộng đồng tiếp tục đi sâu vào các khu dân cư, hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ và ứng dụng số.
Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành một Thành phố thông minh, được xây dựng trên ba trụ cột chính: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Với nhận thức Chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số", sẽ là khâu đột phá chiến lược, là chìa khóa để Hà Nội phát triển nhanh bền vững, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xanh và thông minh - một Thành phố đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến với hệ giá trị cốt lõi: “Chính quyền số - Chính quyền phục vụ/ Doanh nghiệp số - Doanh nghiệp cống hiến/ Xã hội số - Xã hội niềm tin/ Công dân số - người dân hạnh phúc”.
Với tinh thần kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, TP.Hà Nội đã phát động phong trào "4 sẵn sàng" với các nội dung:
Sẵn sàng điện thoại thông minh: Có kết nối mạng và được cài đặt ứng dụng VNeID và iHanoi.
Sẵn sàng định danh điện tử: Đăng ký VNeID mức độ 2 và mở tài khoản ngân hàng.
Sẵn sàng kỹ năng sử dụng công nghệ: Đảm bảo an toàn thông tin và duy trì văn hóa trên không gian mạng.
Sẵn sàng học hỏi và sáng tạo: Không ngừng đổi mới, tiếp thu tri thức và phát triển.
Phòng VHTT