Văn hóa - xã hội

Kết nối Tour du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái"
Publish date 08/10/2024 | 20:59  | View count: 172

Chiều ngày 8/10/2024, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp cùng UBND huyện Thường Tín và xã Duyên Thái tổ chức Chương trình giới thiệu Tour du lịch " Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái", đến dự có ông Trần Trung Hiếu – Phó giám đốc Sở du lịch Hà Nội cùng đoàn chuyên gia tư vấn về Du lịch. Về phía huyện Thường Tín, có Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tạ Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Công Thản và lãnh đạo Phòng VHTT huyện.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Trong khuôn khổ Chương trình Tour du lịch, các chuyên gia tư vấn về du lịch và đại diện các công ty, doanh nghiệp Lữ hành và các du khách đã cùng thăm quan, trải nghiệm nghề làm đỗ mã của làng Phúc Am phục vụ cho hoạt động tâm linh, và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt. Thăm quan, tìm hiểu nghệ thuật Sơn mài Hạ Thái, trải nghiệm một số công đoạn làm sơn mài, thăm quan không gian trưng bày các sản phẩm đa dạng của sơn mài Hạ Thái, đồng thời thưởng thức ẩm thức quê hương.

Đại biểu dự hội nghị

Ông Trần Trung Hiếu – Phó giám đốc Sở du lịch Hà Nội cho biết, Hiện nay, Sở du lịch Hà Nội đang xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm đặc thù gắn với giá trị Di sản - di tích và làng nghề theo tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội” tại các huyện Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên năm 2024.

Chương trình Chương trình giới thiệu Tour du lịch "Nghệ thuật làng nghề thủ công Duyên Thái" diễn ra nhằm mục đích giới thiệu và đưa điểm đến du lịch cộng đồng làng nghề truyền thống xã Duyên Thái huyện Thường Tín, vào khai thác đón khách du lịch. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch tại địa phương, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của địa phương và hưởng ứng chương trình Lễ hội Du lịch Hà Nội, chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2024)

Các đại biểu thăm quan, trải nghiệm nghề sơn mài Hạ Thái     

Bí thư Đảng ủy xã Duyên Thái Nguyễn Thị Thanh Hoa cho biết, Làng nghề sơn mài Hạ Thái với lịch sử phát triển lâu đời đã để lại những giá trị truyền thống đem lại nguồn thu nhập chính, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Tại điểm du lịch làng nghề sơn mài Hạ Thái hiện tại có rất nhiều Worshop trưng bày và giới thiệu các sản phẩm của làng nghề.

Xuất phát từ định hướng phát triển du lịch của thủ đô, của huyện và nhu cầu đòi hỏi của đa dạng khách du lịch trong và ngoài nước, thì việc thành lập và ra mắt các trung tâm Worshop là nhu cầu tất yếu khách quan và đưa các trung tâm đó vào khai thác đón khách du lịch. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.

Năm 2020, Hạ Thái chính thức được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng giúp Hạ Thái xây dựng và củng cố thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, đồng thời có bước chuyển mình theo xu hướng phát triển mới của xã hội. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, người dân Hạ Thái đã mở rộng các mô hình kinh doanh nhằm nâng cao độ phủ sóng và thúc đẩy kinh tế cho làng. Lấy nét đặc trưng là chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam, làng Hạ Thái đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu và trải nghiệm làm tranh sơn mài, Làng nghề sơn mài Hạ Thái trở thành địa chỉ có uy tín với bạn hàng trong nước cũng như quốc tế, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới...

Các đại biểu thăm quan, trải nghiệm nghề làm đồ mã thôn Phúc Am        

Bên cạnh đó, nghề làm đồ mã tại làng Phúc Am cũng rất phát triển, các sản phẩm đồ mã do người dân nơi đây làm ra phục vụ cho hoạt động tâm linh, thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, đây cũng là điểm thu hút du khách thăm quan, tìm hiểu và trải nghệm.

"Thông qua Chương trình này, Ban tổ chức cũng mong muốn có được sự quan tâm hợp tác của các công ty, doanh nghiệp lữ hành với các công ty doanh nghiệp của làng nghề sơn mài Hạ Thái, để cùng nhau thúc đẩy Du lịch của địa phương ngày càng phát triển" Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa nhấn mạnh.

Tô Quý