danh lam - thắng cảnh

Văn Từ Thượng Phúc nơi thờ các nhà khoa bảng của miền đất danh hương
Publish date 28/09/2021 | 08:27  | View count: 3069

Theo cuốn sách “Các Nhà Khoa bảng, thi thức, nghệ nhân tiêu biểu huyện Thường Tín, giai đoạn 1075-2015”, huyện Thường Tín có 68 Nhà khoa bảng được vinh danh trong sử sách. Là huyện có nhiều nhà khoa bảng nhất Thành phố Hà Nội. Xưa kia, Thường Tín có một Văn Từ Thượng Phúc là nơi thờ các bậc hiền tài khoa bảng thủa xưa của huyện do Tiến sỹ Dương Công Độ xây dựng vào năm 1695.

 

Lịch sử truyền thống Văn Từ Thượng Phúc

Theo hệ thống văn bia còn lại ở Văn Từ Thượng Phúc, thuộc thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, và thác bản văn bia của Viện Viễn Đông Bác Cổ, Viện Hán Nôm, Viện Hàn Lâm, thì Văn Từ Thượng Phúc là do tiến sĩ Dương Công Độ xây dựng tại xã Yên Duyên(tổng Tín Yên, nay thuộc thôn Yên Duyên xã Tô Hiệu, Thường Tín) vào năm Chính Hòa thứ 16 – 1695. Song hành với việc xây dựng Văn Từ, ông Dương Công Độ soạn văn, khắc lên trụ bia đá có bốn mặt chữ về tên tuổi các nhà Khoa bảng Đại khoa – Tiến sĩ của huyện Thượng Phúc.

Năm 1755 Văn Từ bị xuống cấp, ông Nguyễn Quân – Chi huyện Phúc Xuyên, người xã La Phù, đã tu sửa lại. Sau đó ông Đinh Quân – Giáo thụ phủ Lý Nhân xây dựng tòa Tiền Đường. Tiếp đi ông Chi huyện Hoài An, cũng về tu sửa cho Văn Từ Thượng Phúc uy nghi lộng lẫy.

Tuy nhiên đất khuôn viên Văn Từ lúc này hẹp, đất Yên Duyên khá heo hút, nên đến mùa lễ hội hay vắng vẻ. Vùng đất này lại thấp, đến cuối mùa thu hay lụt lội, nên tế lễ thường không đúng được ngày. Năm Tân Mùi, niên hiệu Tự Đức, tường Văn Từ bị nước cuốn trôi. Năm Nhâm Thân – 1812, Hội Tư Văn của Văn Từ Thượng Phúc đã bàn tính, rồi chuyển Văn bia, đồ thờ… của Văn Từ này địa phận thôn Văn Hội, xã Văn Gáp, huyện Thượng Phúc(nay là thôn Văn Hội, Xã Văn Bình). Thái Thú Cao Hữu Sung, cùng với các Vương môn Văn Thân đứng lên xây dựng. Thái Thú Hoàng Quân Thụ đứng lên trông coi việc xây dựng và khuyên góp tiền. Mùa đông năm Canh Tý khởi công, tròn một năm tu sửa xong. Tuy nhiên kinh phí thì lớn hơn rất nhiều lần so với trước kia. Sáu mươi năm sau, ngôi Văn từ này được trùng tu, 20 năm kế tiếp lại được tu sửa.

Trong những năm kháng chiến trống thực dân đế quốc, ngôi Văn Từ bị xuống cấp trầm trọng. Do ảnh hưởng chiến tranh, rất nhiều Văn Bia nơi đây đã bị chôn trong khu vườn bên cạnh.

Văn Từ Thượng phúc nơi thờ các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín

Các đồng chí lãnh đạo Thành phố, huyện dâng hương tại Văn Từ Thượng Phúc

Nhằm bảo tồn, lưu giữ những giá trị của các công trình mang ý nghĩa lịch sử, ngày 24/11/2019, UBND huyện Thường Tín Khởi công Dự án Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử Công trình Văn Từ Thượng Phúc có vị trí tại thôn Văn Hội.

Dự án Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc, có tổng diện tích 3.516m, trong đó diện tích xây dựng công trình 622m; cây xanh, thảm cỏ, mặt nước 1.433m, đất giao thông 1.463m. Các hạng mục công trình gồm: Nhà Văn Từ, Nhà khách, nhà đón tiếp, Hồ sen, sân vườn, tường rào và một số hạng mục khác...

Sau hơn 01 năm thi công cải tạo và xây dựng, công trình đã được đưa vào sử dụng, với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng, 100% bằng nguồn vốn  xã hội hóa.

Văn Từ Thượng Phúc được xây dựng nhằm phát huy giá trị tuyền thống khoa bảng, truyền thống hiếu học của huyện Thượng Phúc xưa, huyện Thường Tín ngày nay, khôi phục lại trung tâm thờ tự và tôn vinh các bậc hiền tài, các nhà khoa bảng đại khoa, các nhà tri thức khoa cử của huyện. Tại Văn Từ Thượng Phúc hiện còn lưu giữ văn bia khắc tên các nhà khoa bảng của huyện Thường Tín xưa.

 

Các nhà khoa bảng, bậc hiền tài được thờ tại Văn Từ Thượng phúc

Hiện nay tại Văn Từ Thượng Phúc đang thờ phụng 03 nhà khoa bảng là Nguyễn Trãi, Dương Chính, Trần Trọng Liêu .

1. Danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi: Nguyễn Trãi (1380 - 1442 ), hiệu là Ức Trai, là con thứ 2 của cụ Nguyễn Phi Khanh, mẹ là cụ Trần Thị Thái. Nguyễn Trãi từ nhỏ ở với ông ngoại là quan tư đồ Trần Nguyên Đán trong Kinh thành Thăng Long nước Đại Việt.

Tượng Danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi tại Văn Từ Thượng Phúc

Các đại biểu dâng hương dịp 579 năm ngày mất của Danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi

Năm 1390 sau khi ông ngoại mất, Nguyễn Trãi về làng Ngọc Ổi(nay là thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) ở và học tập cùng cha. Làng Nhị Khê là cái nôi nuôi dưỡng tầm hồn thửa ấu thơ của Nguyễn Trãi.

Từ vùng quê Ao Huê, Trại Ổi, Ngọc Ổi, Thượng Phúc học hành, rèn chí hướng, luyện tài, Nguyễn Trãi đã trưởng thành, đem vinh hoa về cho quê cha, đất tổ. Hơn thế Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử dân tộc và trong lòng mỗi người dân Việt Nam.Danh thơm của Danh nhân văn hóa, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã đi vào sử sách nước nhà là một danh nhân văn hóa kiệt xuất, một nhà tư tưởng vượt thời đại, một nhà chính trị, một nhà chiến lược quân sự, ngoại giao, một nhà thơ, nhà văn… Nguyễn Trãi đã đem chí anh hùng cứu nước với tất cả tài năng phục vụ cho giải phóng dân tộc; cùng Lê Lợi lập nên thắng lợi của sự nghiệp Bình Ngô, cứu nước, cứu dân khỏi họa đô hộ của ngoại bang.

Nguyễn Trãi đã để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm mang tư tưởng tiến bộ của thời đại, tinh hoa và khí phách của dân tộc Việt Nam như: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Quốc âm thi tập, Dư địa chí...Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, ông đã được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới.

2. Dương Chính: Theo như cuốn “Các nhà khoa bảng Việt Nam” của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi xuất bản năm 2006 và qua lời kể của các cụ trong dòng họ Dương ở huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín xưa kia kể rằng: Dương Chính được sinh ra và lớn lên tại huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín xưa (nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Thời còn trẻ ông đã nuôi chí hướng, tu dưỡng đạo đức, dùi mài kinh sử, được cha mẹ cho theo học các thầy đồ trong làng, để rồi lớn lên về kinh ứng thí khoa thi. Trải qua các kì thi của triều đình tổ chức lúc bấy giờ, ông đã thi đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh đời 3 vua Lý Huệ Tông.


Tượng nhà khoa bảng Dương Chính tại Văn Từ Thượng Phúc

Sau khi thi đỗ, ông được triều đình bổ nhiệm vào một số chức quan và gia tặng các chức vị như: Đặc tiến, Quang lộc đại phu. Khi làm quan ông được người đời nhận xét là người thông minh chính trực, văn võ song toàn, bên cạnh đó ông có nhiều đóng góp cho việc xây dựng củng cố triều đình, bảo vệ đất nước, che chở cho dân chúng trong vùng, cá nhân ông luôn đặt hai chữ “Trung hiếu” lên đầu, coi trong đạo quân thần (vua – tôi), luôn giữ hai chữ “hiếu kính” với cha mẹ và người thân. Về già ông lui chốn quan trường về quê ở ẩn, ông dạy trẻ con trong vùng học các sách thánh hiền, giáo dục đạo đức, rèn luyện cho nhiều sĩ tử lên kinh ứng thí, lúc thanh nhàn rảnh rỗi ông đọc sách, làm thơ vui với thú điền viên.

Qua cuốn sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” và một số thống kê cơ bản của huyện Thường Tín cho thấy, Dương Chính được coi là người đỗ đạt khai khoa đầu tiên sớm nhất của huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín xưa còn lưu trong sử sách. Ông được mệnh danh là người “Khai khoa truyền thế” (Tạm dịch là: Khai khoa truyền lại cho đời sau). Từ đó có thể thấy truyền thống tôn sư trọng đạo của đất Thường Tín nói riêng và Thăng Long Hà Nội nói chung, phần nào khơi dậy niềm tự hào về truyền thống hiếu học, vùng đất khoa bảng, bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích lịch sử, văn hoá. Theo thống kê và văn bia tại Văn Từ Thượng Phúc được các quan lại thời Lê, Nguyễn khắc ghi lưu danh cụ Dương Chính đứng đầu tiên trong việc khai khoa, để tỏ lòng thành kính biết ơn, nêu cao đạo học, chủ trương của Huyện ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ huyện Thường Tín đã tu  bổ Văn Từ Thượng Phúc và xã hội hóa việc phụng thờ các nhà khoa bảng đỗ đạt cao của huyện, trong đó có cụ Dương Chính người được tạc tượng thờ tại khu vực Hậu cung của Văn Từ.

3. Trần Trọng Liêu: Cụ Trần Trọng Liêu, sinh ngày 13 tháng 12 năm Ất Hợi. Thuở nhỏ, cụ nổi tiếng văn hay, học giỏi, thi hương đỗ tứ trường Khoa Đinh Dậu tới Khoa Canh Tý (1717-1720). Năm Quý Mão (1723) 26 tuổi theo học tới năm Giáp Thìn (1724) trúng tứ trường, được làm Huấn đạo phủ Phụng Thiên, giảng bài trong cung vua. Năm Đinh Mùi (1727) và Tân Hợi (1731) đều thi đỗ Tam trường. Mùa xuân năm Quý Sửu niên hiệu Long Đức 2 (1733) đời Lê Thuần Tông, cụ dự thi Đình, đỗ Đệ Nhị danh ở tuổi 39,  được công nhận đỗ đầu Đệ nhị Giáp Tiến sĩ xuất thân, và theo lệnh vua, hợp cách là người thứ ba.

Tượng cụ Trần Trọng Liêu tại Văn Từ Thượng Phúc

Năm Giáp Dần (1734) được phong Hàn lâm Viện Hiệu lý; năm Bính Thìn (1736) ân huệ nhà vua được tiến cử là Hàn lâm Viện Thị chế; năm Đinh Tỵ (1737), được trao làm Đốc đồng vùng Hưng Hóa; năm Mậu Ngọ ( 1738), phụng chỉ Triều đình, làm sứ giả Hiến sát tỉnh Hải Dương và lại được tiến cử nhậm chức Hiệu thư Điện Đông các.

Công trạng của Cụ Trần Trọng Liêu còn được thể hiện ở việc binh, khi cụ đã hiệp đồng với cơ sở để dẹp loạn, kinh qua 14 trận mạc ở các huyện Chí Linh, Đông Triều. Tháng giêng năm Canh Thân, cụ bị bọn Nguyễn Nghịch ở Ninh  Xá làm phản, vây bắt, hãm hại. Cụ không chịu đầu hàng, khiến bọn chúng càng nể sợ. Về sau Cụ được ban chức Đông các học sĩ. Lại được giao quyền tới vùng Sơn Nam đôn đốc, điều hành việc tuyển chọn quân binh tái ngũ địa phương. Được giao việc thẩm tra các quan chức và dân tình ở những nơi bị tàn phá tại các huyện Thượng Phúc, Phú Xuyên, Duy Tiên, Thanh Liêm, Kim Bảng, Hoài An…vv.. Ngày 21 tháng 4 năm Nhâm Tuất (25/06/1742), cụ được giao trách nhiệm hội kiến các quan phủ của năm phủ. Những ngày tháng 07 năm đó, cụ đàm nhiệm công việc ở kinh đô sau khi hoàn thành sứ mệnh hiến sát ở Tuyên Quang, sau được giao soát xét các vụ kiện tụng ở châu Bố Chánh. Tháng 11, được giao sứ mệnh hiến sát vùng Kinh Bắc, thăm động viên đội vệ ứng ở Thường Tín và tuyển thêm binh sĩ. Ngày 15 tháng 07 năm Quý Hợi ( 2/9/1743) được giao lập đồn phòng vệ. Tháng 03 năm Giáp Tý (1744), phụng mệnh Triều, làm sứ giả Hiến sát tỉnh Sơn Tây. Năm Ất Sửu (1745), cụ được Triều đình ban chức Tứ thành Quân vụ sự. Cụ đã hiệp đồng công kích đánh thắng trận Cáp Hòa, Thái Nguyên, được ghi nhận Quân công. Ngoài ra cụ Trần Trọng Liêu còn để lại một số trước tác thơ văn nổi tiếng. Ngày 18 tháng ba năm Bính Dần (1746) cụ mất, thọ 52 tuổi. Saukhi mất được truy tặng chức Tự Khanh, tước Bá.

Hiện nay nhà thờ cụ tọa lạc ở tại thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Nhà thờ được xây dựng từ thời Lê, hiện còn lưu giữ khá nhiều các giá trị về lịch sử văn hóa nghệ thuật kiến trúc như: Biển lọng vua ban, hệ thống sắc phong, hoành phi câu đối, đồ thờ tế tự… cụ Trần Trọng Liêu  được đạc tượng thờ tại khu vực Hậu cung của Văn Từ Thượng Phúc.

Toàn cảnh khu vực hậu cung của Văn Từ Thượng phúc

Ngày nay, chúng ta, thế hệ người dân huyện Thường Tín đang sống, làm việc trong thời đại Hồ Chí Minh luôn tự hào được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất được mệnh danh là miền đất danh hương, đất địa linh nhân kiệt, nơi đã sản sinh ra bao bậc hào kiệt phù vua giúp nước, đem lại sự bình yên cho Nhân dân.

Xuân Tiến