KỶ NIỆM 190 NĂM HUYỆN THƯỜNG TÍN tỉnh Hà Nội xưa - Thành phố Hà Nội ngày nay
Thường Tín (với tên gọi Thượng Phúc) chính thức trở thành đơn vị cấp huyện của tỉnh Hà Nội vào này mùng 01 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 12, tức ngày 04/11/1831. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn, một mốc son trong tiến trình lịch sử của huyện Thường Tín.
Tọa đàm khoa học 190 năm huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín,
tỉnh Hà Nội và danh xưng “Thường Tín” trong thế kỷ XV
Thường Tín là vùng đất thuộc đồng bằng Bắc bộ, có lịch sử lâu đời, từ thời đại Hùng Vương qua câu chuyện huyền sử về Chử Đồng Tử và Tiên Dung và những phát hiện về công cụ thời kỳ đá mới ở xã Thắng Lợi.
Từ thời Bắc Thuộc đến trước thế kỷ XV, huyện Thường Tín xuất hiện trong lịch sử địa danh với những tên gọi khác nhau. Bước sang thế kỷ XV, nhà Lê sơ thực hiện cải cách hành chính trong cả nước, năm 1490, bản đồ Hồng Đức được ban hành gồm 13 Thừa tuyên, lần đầu tiên “tên gọi Thường Tín” xuất hiện với tư cách là một Phủ thuộc Thừa tuyên Sơn Nam gồm với 3 huyện: Thanh Trì, Thượng Phúc (Thường Tín) và Phú Xuyên.
Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) mùa Đông tháng 10 ngày mồng 1 (tức ngày 04/11/1831 dương lịch), nhà Nguyễn tiến hành cải cách hành chính với quy mô lớn, chia cả nước thành 30 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội. Dưới tỉnh là đơn vị hành chính 3 cấp phủ, huyện, xã. Ngoài ra còn có Tổng, đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã. Bộ quốc sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục ghi: “Tỉnh Hà Nội thống trị 4 phủ là Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân ; gồm 15 huyện, trong đó có Huyện Thượng Phúc.
Như vậy, ngày 04/11/1831, huyện Thường Tín, với tên gọi là Thượng Phúc chính thức là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn, là mốc son trong lịch sử phát triển của huyện Thường Tín, gắn với lịch sử Thăng Long – Hà Nội.
Thời điểm đó, huyện Thường Tín gồm 12 tổng (Cổ Hiền, Thượng Hồng, La Phù, Hà Hồi, Bình Lăng, Đông Cứu, Triều Đông, Tín An, Vạn Điểm, Chương Dương, Thụy Phú, Phượng Dực) với 81 xã, thôn. Thời gian sau có một số điều chỉnh nhưng về cơ bản số tổng, xã được duy trì trong thời Pháp thuộc.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Đông. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, Đảng và Nhà nước đã có một số lần điều chỉnh địa giới hành chính huyện Thường Tín.
Ngày 21/4/1965, huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Tây, gồm 32 xã. Đến ngày 29/12/1978, 04 xã ở phía Bắc huyện Thường Tín là: Đại Áng, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Tả Thanh Oai được sáp nhập vào huyện Thanh Trì. Huyện Thường Tín còn lại 28 xã. Ngày 19/3/1988, thành lập thị trấn Thường Tín trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã Văn Bình, Văn Phú và Hà Hồi. Như vậy huyện Thường Tín gồm 01 thị trấn và 28 xã như ngày nay.
Ngày 01/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Hà Nội chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình). Huyện Thường Tín trở lại là đơn vị cấp huyện của Hà Nội.
Nhìn lại chặng đường 190 năm từ ngày trở thành đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hà Nội, đặc biệt là sau hơn 13 trở lại là huyện ngoại thành phía Nam của Thủ đô Hà Nội, Đảng bộ và Nhân dân Thường Tín luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ, tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tạo nên sự chuyển biến tích cực, toàn diện về kinh tế - xã hội; diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống Nhân dân được cải thiện về vật chất và tinh thần. Đồng thời Thường Tín luôn xây dựng nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội; góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Ngọc Lâm