KỶ NIỆM 190 NĂM HUYỆN THƯỜNG TÍN tỉnh Hà Nội xưa - Thành phố Hà Nội ngày nay

Nhà thơ Lý Tử Tấn

Lý Tử Tấn, tự là Tử Tấn, hiệu Chuyết Am, sinh năm 1378, quê ở làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội). Ông thi đỗ Thái học sinh năm 1400, đồng khoa với Nguyễn Trãi, dưới triều Hồ Quý Ly, nhưng không ra làm quan.

Văn chỉ ở làng Triều Đông (xã Tân Minh) thờ hai vị tiến sĩ Lý Tử Tấn

và Đào Như Hổ được công nhận di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2020

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, Lý Tử Tấn đến yết kiến Lê Lợi, được chủ soái Lê Lợi khen ngợi là người học rộng, giao giữ việc Văn cáo, tức là làm nhiệm vụ thảo công văn, giấy tờ, thư tín. Cuộc kháng chiến chống Minh kết thúc thắng lợi, triều đại Lê sơ thành lập, Lý Tử Tấn lại có mặt trong công cuộc xây dựng vương triều mới. Ông làm quan tới chức Nhập nội hành khiển tri tam quán kiêm Nhập thị kinh diên, trải ba đời vua: Lê Thái Tổ (1428 - 1433), Lê Thái Tông (1434 - 1442), Lê Nhân Tông (1443 - 1459). Phần lớn các chiếu lệnh, chiếu cáo và thư từ ngoại giao của nhà Lê sau khi Nguyễn Trãi cáo quan về ẩn dật, đều do Lý Tử Tấn soạn thảo.

Lý Tử Tấn mất năm nào chưa rõ. Căn cứ vào bài tựa sách Việt âm thi tập, Lý Tử Tấn viết năm 1459, có thể suy đoán ông mất phải sau năm ấy, tức là ông thọ hơn 80 tuổi.

Trong lịch sử văn học Việt Nam, tên tuổi Lý Tử Tấn gắn liền với bài Phú Xương Giang, ông viết để ca ngợi chiến công ngày 03/11/1427 của nghĩa quân Lam Sơn đã tiêu diệt 07 vạn quân Minh và bắt sống mấy trăm tướng lĩnh của giặc tại Xương Giang, trong đó có Thôi Tụ, Hoàng Phúc. Qua bài Phú Xương Giang người đọc không chỉ thấy ở Lý Tử Tấn một trái tim yêu nước thiết tha, một tinh thần tự hào dân tộc mà còn là tư tưởng chính trị sâu sắc khi ông nói về sự thành bại trong việc giữ nước.

Theo ông, muốn giữ vững nước, không cốt ở núi sông hiểm yếu, không cốt ở binh hùng tướng mạnh, điều căn bản là phải có con người, có chính nghĩa:

  Có đức công mới lớn

     Có người đất mới linh

Giữ nước không cốt ở hiểm yếu

Giữ dân không cốt ở hùng binh.

Sở trường văn học của Lý Tử Tấn là làm phú. Bên cạnh Phú Xương Giang, ông còn có hơn 20 bài phú khác như: Chí Linh sơn phú, Triều tinh phú, Quân chu phú, Hội anh diện phú… Đây là những bài có giá trị về nội dung và nghệ thuật, phản ánh tấm lòng đối với đất nước, với cuộc đời của Lý Tử Tấn. Di sản phú của Lý Tử Tấn để lại được chép trong Hoàng Việt văn tuyển và Quần hiền phú tập. Ngoài ra, ông cũng có làm lời thông luận cho bộ Dư địa chí của Nguyễn Trãi; viết tựa, hiệu chính và lời bình trong bộ Việt âm thi tập.

Lý Tử Tấn sáng tác khá nhiều thơ nhưng thất lạc cũng nhiều, hiện chỉ còn hơn 70 bài nằm rải rác ở các sách Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển. Lý Tử Tấn bày tỏ quan điểm thẩm mỹ về thơ trong lời tựa sách Việt âm thi tập như sau: “Tôi cho rằng: phép làm thơ thật khó lắm thay! Thơ luật chỉ có 56 chữ, thơ tuyệt cú chỉ có 28 chữ, mà đủ mọi thể cách. Muốn thơ cổ kính, thanh đạm thì lại gần với thô; muốn đẹp đẽ, phong phú thì lại gần với lòe loẹt; hào phóng thì dễ tới chỗ buông thả; thật thà thì dễ tới chỗ quê mùa. Cho nên lời ý giản dị đầy đủ, mạch lạc thông suốt, chất phác mà văn nhã, mới lạ mà không trúc trắc, trung hậu nhưng không thô kệch, cao siêu mà vẫn có giọng ôn hòa, đó là những điều rất khó có thể đạt được. Bởi vậy, không thể chỉ hạn chế trong một lệ và cũng không thể chỉ lấy ở một thể”.

Nhận xét về thơ Lý Tử Tấn, Phan Huy Chú viết: “Thơ ông chuộng giản dị, phần nhiều có ý thơ cổ”. Đọc thơ Lý Tử Tấn, chúng ta bắt gặp một tâm hồn thanh thản, ung dung, cao khiết, gặp một thiên nhiên trong mát với những hương vị của hoa trái, cua đồng, của trời, nước, nắng gió hiền hòa...

Có thể nói sau Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn là người có uy tín học thuật ở nửa đầu thế kỷ XV. Sau khi ông mất, dân làng Triều Đông xây dựng Văn chỉ thờ ông và một vị tiến sĩ của làng. Văn chỉ được công nhận là di tích lịch sử cấp Thành phố năm 2020. Huyện Thường Tín lấy tên ông đặt cho một ngôi trường Trung học phổ thông ở phía Tây huyện.

Ngọc Lâm