Hướng dẫn thực hiện pháp luật

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2024
Publish date 02/03/2024 | 22:30  | View count: 146

Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2024 như sau:

Chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN

Nghị định 02/2024/NĐ-CP ngày 10/1/2024 của Chính phủ về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có hiệu lực từ 1/3/2024.

Công trình điện là tài sản công được chuyển giao theo quy định tại Nghị định này gồm:

1- Công trình điện là tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị);

2- Công trình điện là tài sản công giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tài sản công tại doanh nghiệp);

3- Công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước do Ban Quản lý dự án, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chủ đầu tư (công trình điện thuộc dự án hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng vốn nhà nước);

4- Công trình điện thuộc hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong các dự án khu đô thị, khu dân cư và dự án khác do chủ đầu tư phải bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật;

5- Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước (bao gồm cả phần giá trị công trình điện tăng thêm do tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo, nâng cấp trên công trình điện hiện hữu của đơn vị điện lực) do các tổ chức, cá nhân tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước Việt Nam thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo hình thức không hoàn trả vốn và đơn vị điện lực thống nhất tiếp nhận (công trình điện có nguồn gốc ngoài ngân sách nhà nước);

6- Công trình điện được xác lập quyền sở hữu toàn dân có nguồn gốc hình thành từ dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và được các bên thỏa thuận chuyển giao cho đơn vị điện lực theo hợp đồng dự án theo quy định của pháp luật hoặc được cấp có thẩm quyền quyết định giao cho đơn vị điện lực thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận (công trình điện được đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Từ ngày 1/3: Tăng trần giá vé máy bay nội địa 

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư 34/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.

Theo đó, Thông tư sửa đổi khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. Các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Cụ thể, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.200.000 đồng/vé/ chiều); đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 2.790.000 đồng/vé/ chiều); đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.200.000 đồng/vé/ chiều) và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều (giá cũ là 3.750.000 đồng/vé/chiều).

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/3 và bãi bỏ Thông tư số 24/2015/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học là cơ sở để thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học; đánh giá và giám sát các điều kiện bảo đảm chất lượng, việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.

Chuẩn cơ sở giáo dục đại học bao gồm 6 tiêu chuẩn với 20 tiêu chí. Cụ thể, Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản trị gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 2: Giảng viên gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 4: Tài chính gồm 2 tiêu chí; Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và đào tạo gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 6: Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo gồm 2 tiêu chí.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học cung cấp, cập nhật dữ liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học.

Công bố kết quả thực hiện chuẩn cơ sở giáo dục đại học của các cơ sở giáo dục đại học trước ngày 30/6 hằng năm, bắt đầu từ năm 2025 cho năm báo cáo trước liền kề.

VP