Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Đình Phúc Am – Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, nghệ thuật truyền thống

Đình Phúc Am là công trình kiến trúc tín ngưỡng thờ Thành hoàng của cộng đồng cư dân làng xã. Di tích nằm trên mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, nơi vẫn lưu giữ những giá trị lịch sử - nghệ thuật - kiến trúc của một vùng quê phía nam kinh thành Thăng Long.

 

Toàn cảnh đình Phúc Am

Cũng như nhiều ngôi đình cổ vùng đồng bằng châu thổ Bắc bộ, đình Phúc Am thờ Thành hoàng là Tam Vị Đức Thánh Tản đó là Tản Viên Sơn Thánh, Cao Sơn Đại Vương, Quí Minh Đại Vương. Đây là những vị thần nằm trong hệ thống thần thoại của người Việt cổ từ buổi đầu dựng nước nên sự tích các thần cũng nằm trong khuôn mẫu chung phán ánh nguồn gốc tiên rồng của dân tộc.

 

Trong suốt tiến trình lịch sử, các vị đã luôn che chở, phù trì cho đất nước được vững bền, bảo vệ cuộc sống yên bình của nhân dân. Hình tượng ba vị Thánh Tản là biểu trưng cho sức mạnh và tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam trong suốt mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.

 

Tục thờ Đức Thánh Tản có từ rất lâu, không chỉ có vùng đất Ba Vì, Sơn Tây mà rất nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ cũng thờ Tam vị Thánh Tản với ước vọng chiến thắng thiên tai, lũ lụt. Câu chuyện về Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh là phản ánh lịch sử tự nhiên của một đất nước lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, quanh năm chống chọi với thiên tai, bão lũ,....

 

Qua những biến động của lịch sử và những lần trùng tu, sửa chữa. Đến nay, đình Phúc Am vẫn mang dáng vẻ của một ngôi đình thời Hậu Lê, với quy mô kiến trúc bề thế, đó là bộ vì kết cấu: “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ cốn bẩy hiên”và “Thượng giá chiêng chồng rường, hạ kẻ suốt” mang đặc trưng của phong cách kiến trúc Lê Trung Hưng với những mảng chạm trang trí được khắc trên đầu dư, cốn nách, bẩy hiên cùng những đề tài trang trí truyền thống mang đầy chất nghệ thuật của kiến trúc giai đoạn thế kỷ XVIII.

Nằm trong nghệ thuật điêu khắc của vùng châu thổ đồng bằng Bắc bộ, đình làng Phúc Am có những mảng chạm khắc độc đáo như: Rồng phụ tử, rồng lá... Hình ảnh con rồng được mô tả với nhiều tư thế, dáng vẻ khác nhau cùng những nét đao mác mạnh mẽ, phóng khoáng nhưng hết sức mềm mại, tinh tế... đã được các nghệ nhân xưa thể hiện hiện khá công phu, sống động biểu tượng cho những ước vọng về một cuộc sống thanh bình, no đủ, thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Hệ thống di vật hiện còn ở đây như: Kiệu bát cống, kiệu long đình, long ngai, bài vị, bát bửu, hoành phi câu đối...

Đi cùng với những giá trị vật thể, giá trị phi vật thể của di tích đình Phúc Am được thể hiện qua lễ hội lắng đọng văn hóa tín ngưỡng được bồi đắp theo dòng thời gian để duy trì, bảo tồn cho đến hôm nay, phản ánh đặc trưng văn hóa vùng miền Thăng Long – Hà Nội trong bước đi của lịch sử dân tộc.

Ngô Khuynh