Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

LÀNG THÊU QUẤT ĐỘNG

Làng nghề thêu tay Quất Động có từ rất sớm, với những sản phẩm mỹ nghệ được cả nước biết tới và ngày nay lan toả tới nhiều nước Châu Á, Châu Âu.

Từ thế kỷ XVII, Quất Động đã phát triển nghề thêu tay với những nghệ nhân có bàn tay vô cùng khéo léo, tạo nên những sản phẩm thêu rực rỡ, sinh động, Người có công truyền dạy cho dân làng nghề thêu là Bùi Công Hành, đời Lê, được dân làng tôn vinh là ông tổ nghề thêu.

Ban đầu, nghề thêu chủ yếu là thêu câu đối, trướng, nghi môn để treo ở đình, chùa và thêu các loại khăn chầu, áo ngự phục vụ trang phục cung đình.

Ngày nay, mặt hàng mỹ nghệ thêu phát triển phong phú. Trên nền vải, người thợ thêu tạo nên chim muông, hoa lá, cỏ cây… với những đường nét và màu sắc sinh động trên các sản phẩm đa dạng như áo gối, khăn bàn, áo quần, bức tranh, chân dung và nhiều sản phẩm khác theo mẫu đặt hàng của khách. Nhiều nghệ nhân say mê nghiên cứu, phục dựng những trang phục của triều đình phong kiến.

Ngoài sinh cơ ở xã, những người thợ Quất Động còn tới các tỉnh, thành tạo dựng nghề nghiệp và truyền nghề cho các thế hệ kế tiếp. Từ thế kỷ XVIII, XIX, những người thợ Quất Động từng lập nên nghề thêu ở kinh thành Thăng Long và ngày nay nhiều thế hệ con cháu tiếp tục duy trì, phát triển nghề thêu tại Hà Nội.

Chỉ với cây kim, sợi chỉ, tấm vải, với trí thông minh và bàn tay tài hoa, những người thợ thêu Quất Động đã tạo nên những sản phẩm thêu, những tác phẩm nghệ thuật kỳ diệu. Các sản phẩm thêu Quất Động đã có mặt tại hơn 20 nước, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Mĩ…

Nối tiếp truyền thống của cha ông, các thế hệ người dân Quất Động kiên trì, bền bỉ chăm lo, phát huy nghề thêu truyền thống, làm giàu thêm truyền thống văn hoá làng nghề Thường Tín.

Admin