Di tích lịch sử - làng nghề truyền thống

Nhân Hiền - xã Hiền Giang - Điểm du lịch làng nghề

  Hiền Giang là một xã thuần nông nằm ở phía Tây huyện Thường Tín, có diện tích đất tự nhiên 316,37ha, trong đó đất canh tác chiếm 191,56ha, với 1127 hộ và 4219 nhân khẩu. Ngoài nghề nông, Hiền Giang còn được biết đến là một làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ, đá truyền thống, có đội hát trống quân.

Người Hiền Giang xưa nay nổi tiếng có bàn tay khéo léo nên đã sớm học hỏi, chắt lọc được một số nghề thủ công như thợ mộc làm nhà, thợ điêu khắc. Nhiều tốp thợ của làng đã tham gia làm các công trình đình, chùa cho khắp nơi trong vùng. Đặc biệt, có tốp thợ của cụ Vũ Văn Khánh được tham gia xây dựng cung đình Huế. Nhiều bậc thợ tài danh đã được phong "Cửu phẩm" như cụ Cửu Hòa, Cửu Túy, Cửu Thảnh. Nối nghiệp cha ông, sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, một nhóm thợ làng nghề Nhân Hiền - Hiền Giang ở Hà Nội đã cùng nhóm thợ ở một số nơi thành lập Hợp tác xã Trạm Ngà 19/3 ở Bạch Mai - Hà Nội. Cụ Ứng Trọng Nhâm đã được Nhà nước phong danh hiệu nghệ nhân, cụ Hoàng Văn Thiều, Trần Văn Bình đã được phong  danh hiệu"bàn tay vàng".
Nghề mộc làm nhà đến nay không còn, nghề điêu khắc cũng qua nhiều thăng trầm nhưng đến nay vẫn còn và ngày một phát triển. Từ năm 1989, do nguyên liệu gỗ quý hiếm, đã có nhiều hộ trong xã chuyển sang mặt hàng điêu khắc đá.
Admin