Đảng - đoàn thể

Đảng bộ huyện Thường Tín 76 năm xây dựng và phát triển

Ngày 15-16/11/1947, tại đình thôn Địa Mãn, xã Tứ Dân (nay là thôn Trần Phú, xã Minh Cường), Đảng bộ huyện Thường Tín tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Đây là mốc son ghi dấu quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện Thường Tín.

Lịch sử ngày thành lập Đảng bộ huyện

Ngày 23/9/1945, đồng chí Đỗ Mười thay mặt Tỉnh ủy về dự và công nhận Chi bộ Đảng đầu tiên của Thường Tín. Chi bộ có 8 đảng viên và đồng chí Phạm Thạch Tâm là Bí thư Chi bộ. Sự ra đời của chi bộ Đảng đánh dấu bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng của Thường Tín. Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Đông lần thứ nhất (tháng 7/1947) và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín lần thứ nhất được triệu tập và tổ chức tại thôn Địa Mãn, xã Tứ Dân (nay là thôn Trần Phú, xã Minh Cường) vào 2 ngày 15,16/11/1947, với sự tham gia của 100 đại biểu chính thức, thay mặt 420 đảng viên sinh hoạt tại 40 chi bộ. Đây là mốc son ghi dấu quá trình hình thành của Đảng bộ huyện.

 

Đình làng Địa Mãn- Nơi tổ chức Đại hội đầu tiên của Đảng bộ huyện

76 năm qua, những thành tựu nổi bật của Đảng bộ huyện Thường Tín gắn liền với các giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ huyện Thường Tín đã lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương. Thường Tín thực hiện khẩu hiệu toàn dân kháng chiến, mỗi làng, xã là một pháo đài đánh giặc. Cùng với việc củng cố lực lượng bộ đội địa phương lực lượng dân quân du kích đã chiến đấu chống giặc càn quét, diệt ác phá tề. Thường Tín đã chủ động tổ chức trên 180 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt 832 tên địch, bức rút 30 đồn bốt. Ngày 28/8/1954 đã đi vào lịch sử đối với quân và dân Thường Tín - Ngày tiếp quản giải phóng huyện. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thường Tín tiễn đưa trên 2.000 thanh niên vào bộ đội và đi dân quân hoả tuyến đã góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện biên phủ lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu.

Nhân dân Thường Tín quật cường đánh giặc giữ làng

Khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hại Miền Bắc, Thường Tín lại là một trọng điểm oanh tạc ngày đêm của không quân Mỹ. Đối mặt với chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Thường Tín đã hình thành 3 cụm chiến đấu liên hoàn với hàng trăm trận địa bắn máy bay bay thấp của 32 xã. Nhân dân và lực lượng vũ trang Thường Tín đã đào đắp trên 100 trận địa, xây dựng trận địa tên lửa, pháo cao xạ đánh trả máy bay Mỹ, góp phần cùng bộ đội chủ lực bắn rơi 10 máy bay phản lực Mỹ, trong đó tự vệ nhà máy đường Vạn Điểm đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.955 của đế Quốc mỹ trên bầu trời miền Bắc. 

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, Thường Tín đã tiễn đưa 14.586 thanh niên lên đường nhập ngũ, hơn 1.000 thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam. Mỗi năm Thường Tín chi viện cho chiến trường từ 4.700 đến 6.200 tấn lương thực, từ 400 đến 500 tấn thực phẩm, vượt 200% kế hoạch được giao.

Tự hào với sự cống hiến to lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thường Tín được chủ tịch nước tặng 5 huân chương quân công và chiến công các hạng, 9 huân chương lao động và trên 3.700 gia đình cơ ở cách mạng, cán bộ, nhân dân được chính phủ tặng thưởng Huân, Huy chương, bảng vàng danh dự . Do có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các xã Nghiêm Xuyên , Dũng Tiến, Văn Bình, Khánh Hà, Tân Minh cùng Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Thường Tín được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân- Đó là phần thưởng cao quý, là nguồn động lực để Thường Tín tiếp tục thực hiện những mục tiêu kinh tế xã hội mà Đại hội Đảng bộ huyện Thường Tín đã đề ra.

 

Huyện Thường Tín đang trên đà phát triển

Kế thừa và phát huy truyền thống của các thế hệ cha ông, trên cuộc hành trình hơn 35 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thường Tín đã có những bước đi, cách làm mới hiệu quả.  Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân khai thác mọi tiềm năng thế mạnh, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức để tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thường Tín đều đạt khá,cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng theo từng năm. Công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ tiếp tục tăng trưởng cao, sản xuất nông nghiệp thu được kết quả… Bước đầu đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng ở các cụm, điểm công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn huyện sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần tích cực vào kết quả thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn . Nhiều quy hoạch, dự án, công trình đã được khởi công xây dựng, tiêu biểu là khu lưu niệm Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi; Văn từ thượng phúc…

Huyện thông xe kỹ thuật đường Nguyễn Trãi (Lý Tử Tấn)

Hiện nay diện mạo nông thôn từng bước đổi mới, đời sống vật chất, tin h thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế huyện duy trì tốc độ tăng trưởng. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Về thu - chi ngân sách: tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 904.836 triệu đồng, đạt 78,23% dự toán giao và tăng 47,82% so với cùng kỳ năm 2022.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu có thêm 01 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Minh Cường) và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Hồng Vân). Đã hoàn thành công tác GPMB Dự án Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Thường Tín; giải quyết xong vướng mắc, tồn tại về thu hồi đất, GPMB tại dự án xây dựng Cụm công nghiệp Tiền Phong 2 và các trường hợp còn tồn tại thuộc Dự án xây dựng Đường 427 hướng tuyến mới. Đối với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, đã tổ chức chi trả tiền để bồi thường, hỗ trợ, GPMB được 114,44 ha/134,53 ha, đạt 85,06%; thực hiện di chuyển 1.829 ngôi mộ/1.846 ngôi mộ (đạt 99,08%); 04 khu tái định cư được chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt theo đúng quy định. Lĩnh vực văn hoá-xã hội đượ quan tâm đầu tư, đạt kết quả tích cực. Huyện đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; được Chủ tịch nước tặng Huân Chương lao động hạng nhất; Huân chương lao động hạng Ba trong phong trào thu đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”giai đoạn 2016-2020.

Song song với lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện Thường Tín chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đảng bộ huyện hiện có 10.010 đảng viên. Bình quân hằng năm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đều đạt và vượt so với quy định. Các cấp uỷ Đảng đã nghiêm túc quán triệt, học tập, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII)  về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; công tác vận động quần chúng của Đảng. Xây dựng hệ thống chính quyền từ huyện đến cơ sở vững mạnh. Phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Diện mạo đổi mới của huyện Thường Tín

Nhìn lại 76 năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện,sự nỗ lực, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong huyện, Thường Tín đã có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một huyện của Thủ đô Hà Nội vững vàng về kinh tế, ổn định về chính trị, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ có nhiều thời cơ và cũng nhiều thách thức mới, nhưng chúng ta tin tưởng rằng,Đảng bộ huyện Thường Tín sẽ tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, xây dựng huyện Thường Tín ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.

Xuân Tiến