Chế độ, chính sách mới

Điểm mới trong quản lý thuê bao di động trả trước theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ
Ngày đăng 11/08/2017 | 16:00  | View count: 2155

Ngày 24/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

 

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP có một số điểm mới được các doanh nghiệp viễn thông và người dân quan tâm như:

Đối với điểm cung cấp dịch vụ viễn thông: Tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP quy định 3 điểm để cung cấp dịch vụ viễn thông gồm: Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do doanh nghiệp viễn thông thiết lập; điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do doanh nghiệp khác thiết lập, được doanh nghiệp viễn thông ký hợp đồng ủy quyền; điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động do doanh nghiệp viễn thông thiết lập.

  

   Quy trình để cung cấp dịch vụ viễn thông gồm 4 bước:

   Bước 1: Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông nhận giấy tờ của cá nhân, tổ chức, truyền đầy đủ các thông tin thuê bao về hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của doanh nghiệp viễn thông.

   Bước 2: Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông giao sim cho cá nhân, tổ chức.

   Bước 3: Doanh nghiệp viễn thông kiểm tra thông tin thuê bao.

   Bước 4: Doanh nghiệp viễn thông kích hoạt dịch vụ.

   

    Nghị định số 49/2017/NĐ-CP quy định bỏ bản khai đăng ký thông tin thuê bao, bỏ lưu trữ bản giấy, bản sao chứng minh nhân dân, hộ chiếu: Cá nhân, tổ chức xuất trình giấy tờ hợp lệ.

    Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông kiểm tra giấy tờ, nhập thông tin thuê bao. Sau đó cá nhân, tổ chức ký vào bản giấy hoặc bản điện tử xác nhận thông tin thuê bao của doanh nghiệp viễn thông di động.

    Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu giữ thông tin thuê bao trên cơ sở dữ liệu của điểm bằng các hình thức: Bộ nhớ máy tính của điểm, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp viễn thông di động phân quyền truy nhập cho điểm…đảm bảo khả năng truy nhập để phục vụ việc kiểm tra, thanh tra khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

    Không hạn chế số lượng SIM nhưng phải đủ thông tin thuê bao và chính chủ.

    Doanh nghiệp viễn thông di động có quyền thanh lý hợp đồng đối với thuê bao khi không cung cấp lại thông tin thuê bao: Đối với thuê bao có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp viễn thông di động thông báo liên tục 5 ngày, mỗi ngày 1 lần đề nghị chủ thuê bao thực hiện lại việc đăng ký thông tin thuê bao, sau 15 ngày sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ một chiều; sau 15 ngày tiếp theo sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ hai chiều và sau 30 ngày doanh nghiệp viễn thông di động sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.

     Nghị định số 49/2017/NĐ-CP cũng quy định tăng mức xử phạt doanh nghiệp viễn thông di động và bổ sung hành vi vi phạm, đối tượng xử phạt thuộc lĩnh vực bưu chính, viễn thông công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện./.

                                                          Lê Thị Tuyết