KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HUYỆN THƯỜNG TÍN VÀ GIẢI PHÓNG THỦ ĐÔ

Diện mạo đổi thay từ xã nông thôn mới kiểu mẫu Hồng Vân

Năm 2019, Hồng Vân là xã đầu tiên của huyện Thường Tín được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt xã chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao. Xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương tiếp tục bắt tay ngay vào thực hiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu với quyết tâm cao, nỗ lực lớn.

Trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã Hồng Vân

Ngày 18/4/2023, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội ký Quyết định số 2291/QĐ-UBND về việc công nhận xã Hồng Vân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022 với 4/8 lĩnh vực (văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế và du lịch). Hồng Vân tiếp tục là xã đầu tiên của huyện Thường Tín cán đích NTM kiểu mẫu theo định hướng “Mô hình kinh tế xanh gắn với phát triển du lịch”; về đích sớm hơn hai năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Đây là thành quả, là niềm vui lớn, cổ vũ, khích lệ Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương.

Nằm sát kề sông Hồng, xã Hồng Vân có diện tích 421,56 ha, dân số 6.441 người, có 6 thôn: Xâm Thị, Xâm Xuyên, Cơ Giáo, Cẩm Cơ, La Thượng và Vân La. Các thôn đều có nghề truyền thống, riêng Xâm Xuyên và Cơ Giáo là Làng nghề Sinh vật cảnh được công nhận (năm 2008).  

Phát huy thế mạnh của địa phương, xã Hồng Vân đã thành công trong việc chuyển hướng từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái làng nghề. Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ của xã được thành lập năm 2014, với các loại trà thảo mộc là sản phẩm chủ lực; trong đó, trà Chùm ngây, trà Trâu Cổ, trà Kim Ngân hoa là 3 sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP 4 sao của Thành phố. Bên cạnh đó, để phát triển du lịch, Hồng Vân đặt tên cho 21 tuyến đường gắn với các loài hoa như: Đường hoa ban, hoa hoàng yến, hoa phượng, hoa giấy, hoa chuông vàng, hoa cau… Các mùa trong năm, Hồng Vân đều có các sắc hoa nở thắm.

Ảnh: Sản phẩm làng nghề của Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân

Tạo lập cảnh quan, môi trường gắn với truyền thống lịch sử, văn hóa là cách thức để Hồng Vân bảo tồn và phát huy di tích của địa phương. Trên địa bàn xã hiện có nhiều di tích như: Đền thờ Mẫu Xâm Thị, Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý, Chợ mới ông già; đình làng Vân La thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa; đình làng Xâm Xuyên được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia... Nét đặc sắc ở Hồng Vân còn được thể hiện qua lễ hội hàng năm như: Lễ hội Hoa xuân, Lễ hội Tình yêu, Đêm hội Hoa đăng, Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung… thu hút hàng nghìn du khách. 

 

Ảnh: Du khách thăm quan, trải nghiệm du lịch tại xã Hồng Vân

Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Trần Quốc Bảo chia sẻ: Phát triển du lịch đã góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Hiện nay, mỗi năm, xã đã đón khoảng hơn 200.000 lượt khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm với doanh thu đạt khoảng 10 tỷ đồng.

Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Hồng Vân được đầu tư, nâng cấp, xây mới đồng bộ. 100% các tuyến đường trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm đã được cứng hóa bê tông; 100% số hộ dân sử dụng nước sạch; 100% các thôn có nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa và thể thao với diện tích 7.600 m2 đảm bảo phục vụ hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 80 triệu đồng/người/năm; toàn xã còn 21 hộ cận nghèo, không có hộ nghèo.

Trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, Hồng Vân tổ chức phát động và thực hiện tốt hai phong trào: Xây dựng cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp và xây dựng người Hồng Vân văn minh - thanh lịch - mến khách.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân - Nguyễn Hải Đăng khẳng định: Hồng Vân hôm nay đã có diện mạo NTM khởi sắc, đây là minh chứng cho những chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các cấp, là sự chung sức, đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Thời gian tới Hồng Vân sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu để xây dựng xã NTM kiểu mẫu toàn diện.

Duy Anh